Sáng 21/5, tại khu vực phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, khiến hàng chục hộ dân phải sơ tán. Theo thống kê của ngành chức năng, đoạn sạt lở dài 55m, ăn sâu vào trong 10m, nằm gần ngã ba sông Ô Môn và sông Hậu. Năm căn nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 14 căn sụp một phần và 15 căn nhà khác bị đe dọa. Chỉ trong vòng một tháng, khu vực này đã bị sạt lở ba lần, rất may không có thương vong về người. Trước tình hình này, TP.Cần Thơ đã chỉ đạo khẩn trương hỗ trợ mỗi hộ bị ảnh hưởng 10 đến 15 triệu đồng để người dân giải quyết khó khăn trước mắt.
Tiếp đó, vào ngày 3/6, trên địa bàn xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang lại xảy ra một vụ sạt lở nguy hiểm, hiện trường cho thấy, một khu vực dài khoảng 50m đã bị sạt lở và ăn sâu vào tới mép đường nhựa của tỉnh lộ. Do đoạn đường này không có người dân sinh sống nên may mắn không gây ra thiệt hại về người và tài sản.
Đại diện chính quyền địa phương đã đến khảo sát và chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ khắc phục sự cố. Trước đó, tại An Giang đã vừa xảy ra vụ sạt lở làm một đoạn đường liên xã bị hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng đến hàng nghìn ha lúa của người dân. Trước tình trạng này, địa phương đã có kiến nghị nhanh chóng khắc phục những đoạn đường bị sụt lún, nhằm ngăn nguy cơ tiếp tục tái diễn.
Trước đó không lâu, tình trạng sạt lở bờ sông Hậu, đoạn qua tỉnh Vĩnh Long cũng đã diễn ra tại khu vực khóm 3, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh. Sạt lở đã khiến hai căn nhà bị trôi xuống sông, nhiều nhà của các hộ dân còn lại cũng xuất hiện vết rạn nứt. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và bố trí chỗ ở tái định cư cho bà con. Tuy nhiên, sau đó, sạt lở tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp. Từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay, sạt lở diễn ra thường xuyên hơn. Hiện nay, sạt lở tiếp tục xoáy sâu vào đoạn đường dân sinh, tạo nên những hàm ếch rộng phía chân đất và làm mặt đường bị sụt lún nghiêm trọng. Để hạn chế sạt lở lấn sâu, người dân đã sử dụng những vật liệu thô sơ như cây gỗ, bao cát và dây thép để gia cố tạm thời.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng sạt lở nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long để xử lý các khu vực sạt lở. Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Chính phủ để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ năm 2017, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã bố trí kinh phí để xử lý, khắc phục 17 trong 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Đối với các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm còn lại cần được bổ sung ngân sách để hỗ trợ các địa phương vùng xử lý, khắc phục kịp thời theo cơ chế phòng chống thiên tai.
Được biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nơi sinh sống của trên 20 triệu người dân. Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển, nhất là tại các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, TP.Cần Thơ…
Cùng với việc triển khai xây dựng công trình kè và đê mềm chống sạt lở tại các khu vực sạt lở xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương và các ngành cần tập trung: Rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý việc khai thác cát trên sông, ven biển, kiên quyết không để tình trạng khai thác cát sỏi không quy hoạch, cấp phép quá mức, không để tàu thuyền vận hành với tốc độ cao gây sóng lớn dọc các sông, kênh rạch.
Bên cạnh đó, tập trung trồng cây, trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển để giữ đất, bảo vệ đê điều; nghiên cứu xây dựng các công trình phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển, kết hợp với việc lấn biển, phòng chống sạt lở, phát triển điện gió nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương ven biển. Rà soát quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch đô thị, khu dân cư nông thôn, không để xây dựng nhà cửa, công trình tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chủ động bố trí lại dân cư, tái định cư, quy hoạch lại sản xuất.v.v…
Sạt lở tiếp diễn tại Đồng bằng sông Cửu Long
Từ tháng 5/2018 đến nay, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp xảy ra sạt lở, tình trạng này đã gây ra thiệt hại to lớn về tài sản cho người dân, đặc biệt là uy hiếp đến tính mạng của họ ở những khu vực sạt lở.
ĐBSCL liên tiếp bị sạt lở trong những năm gần đây. (Nguồn: Báo SGGP) |
Theo Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam