Theo đó, các trạm y tế sẽ có 2-4 buổi tiêm chủng thường xuyên trong Chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai mỗi tháng, tuỳ theo các trạm ở các địa phương khác nhau, vaccine COVID-19 sẽ được đưa vào các buổi tiêm chủng thường xuyên này.
Bà Dương Thị Hồng khẳng định, các cơ sở tiêm chủng hiện nay đều thuần thục về thực hành tiêm vaccine COVID-19, phương thức bảo quản vaccine.
Việc cung cấp vaccine COVID-19 cũng có ở các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện và khu vực. Ngành y tế hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 cùng các vaccine khác.
Từ năm 2021 đến nay, để nhanh chóng phòng, chống dịch COVID-19, nước ta đã tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 theo hình thức chiến dịch quy mô lớn đối với các nhóm đối tượng, bao gồm người lớn từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12-17 tuổi và trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi.
Đến nay, tổng số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 266 triệu mũi, trong đó tỉ lệ tiêm vaccine ở nhóm nguy cơ cao và người có bệnh nền đã đạt tỉ lệ bao phủ trên 80%.
PGS.TS. Dương Thị Hồng cũng cho biết, theo khuyến cáo cập nhật của WHO, các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 gồm: Người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính, người suy giảm miễn dịch cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, theo WHO, dù dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, song đại dịch chưa kết thúc. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tuy nhiên, vaccine COVID-19 cũng như nhiều vaccine khác qua thời gian, miễn dịch đều giảm dần. Ngay cả những người đã mắc COVID-19, theo thời gian miễn dịch cũng suy giảm.
"Hiện nay, tỉ lệ tiêm mũi 3 và 4 ở nhóm nguy cơ cao mới đạt 80%, tức là vẫn còn 20% chưa thực hiện đủ các mũi tiêm này. Vì vậy, người dân cần đăng ký tiêm bổ sung các mũi nhắc lại (mũi 3 và 4) để phòng bệnh", bà Dương Thị Hồng khuyến cáo.