Siêu khuẩn kháng thuốc là nguy cơ đã bị phớt lờ trong suốt một thời gian dài, một phần nhờ vào việc nhiều loại kháng sinh mới được phát hiện và đưa ra thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nguồn kháng sinh mới đang ngày càng thu hẹp, khiến con người mất dần lựa chọn và đang đứng trước nguy cơ trở về tình trạng như trước năm 1928.
“Cơn sóng thần lặng lẽ”
Vào cuối tháng 7, một bé gái 10 tháng đã nhập viện ở An Giang vì sốt cao. Sau 10 ngày nằm viện, tình trạng của cháu bé ngày một tồi tệ hơn: Sốt cao liên tục, thở khó khăn, tràn mủ màng phổi, rò thực quản vào khoang màng phổi, ngoài ra còn nhiễm trùng huyết và nhiễm nấm huyết nặng.
Kết quả nuôi cấy dịch màng phổi của cháu bé cho thấy dương tính với 2 loại siêu khuẩn đa kháng. Hầu hết các loại thuốc kháng sinh sẵn có đều không thể điều trị những siêu khuẩn này, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn diễn ra không thể kiểm soát đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng cháu bé.
Câu chuyện đau lòng này không còn là chuyện hy hữu. Một nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc. Đây là một thực trạng báo động về việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho trẻ em đang diễn ra tại nước ta.
Sự xuất hiện của siêu khuẩn đa kháng không chỉ là thực trạng tại Việt Nam, mà còn xảy ra trên khắp thế giới. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO gọi đây là một “con sóng thần lặng lẽ”, tước đi của con người khả năng chống chọi với các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, lao, sốt rét. “Cơn sóng thần lặng lẽ” này đã bị phớt lờ quá lâu, dù trong nhiều năm nay, các chuyên gia vi sinh đã liên tục cảnh báo rằng việc dùng thuốc kháng sinh ở người và vật nuôi bừa bãi sẽ làm vô hiệu hóa chính những loại thuốc rất hệ trọng đối với sinh mạng con người.
Trong “cơn sóng thần lặng lẽ” này, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là tại những nước đang phát triển. Điều kiện vệ sinh nghèo nàn và nhất là nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh còn kém được cho là nguyên nhân khiến các nước đang phát triển đang ở thế nguy hiểm nhất trước “cơn sóng thần lặng lẽ”. Báo cáo công bố mới đây của Trung tâm Nghiên cứu về cơ chế Bệnh dịch và các Chính sách Liên quan (CDDEP) cho thấy tỉ lệ sử dụng kháng sinh đời mới nhất - loại kháng sinh sử dụng khi tất cả các loại khác không còn hiệu quả - đặc biệt cao ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tại Malawi, siêu khẩn đa kháng cũng đã xuất hiện ở tình trạng báo động. Hãng tin CNN trong tuần trước đưa tin về trường hợp của bé Abigail, sinh non 7 tháng với hệ đề kháng còn nhiều khiếm khuyết. Abigail bị nhiễm trùng nặng, dẫn đến nguy cơ hệ đề kháng của cơ thể hoạt động quá tải gây suy đa tạng.
Trong 4 ngày liên tục, Abigail được chỉ định điều trị bằng 4 loại kháng sinh khác nhau: Ban đầu là các loại phổ biến như penicillin và gentamicin, sau đó là ceftriaxone và metronidazole. Tuy nhiên, không loại kháng sinh nào điều trị được tình trạng nhiễm trùng máu của cháu bé. Sức khỏe của Abigail suy sụp nhanh chóng khiến cháu bé rơi vào tình trạng bất tỉnh.
Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy cháu bé đã nhiễm loại vi khuẩn Klebsiella kháng hầu hết những thuốc kháng sinh đã sử dụng. Abigail buộc phải sử dụng kháng sinh amikacin, với nguy cơ tác dụng phụ làm tổn thương thần kinh và thính giác. Nhưng cháu bé cũng chỉ sống sót thêm được 1 tháng do cơ thể đã bị tổn hại nặng nề sau những lần điều trị bất thành.
Bên cạnh việc tước đi mạng sống của nhiều người, siêu khuẩn kháng thuốc còn có thể gây ra những thiệt hại kinh tế tương tự - nếu không muốn nói là hơn - cuộc khủng hoảng tài chính 2008, theo một nghiên cứu công bố năm 2016 của Ngân hàng Thế giới. Theo nghiên cứu này, “cơn sóng thần lặng lẽ” sẽ khiến các nước nghèo mất đi 5% GDP và đẩy 28 triệu người vào đói nghèo trong 30 năm tới. Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính 2008, “cơn sóng thần lặng lẽ” mang tên kháng thuốc không hứa hẹn triển vọng phục hồi trong ngắn hạn, mà hậu quả sẽ kéo dài dai dẳng và mang thêm nhiều hệ lụy.
Trong khi các loại siêu khuẩn có khả năng kháng cả những thuốc kháng sinh đời mới nhanh chóng xuất hiện, thì tốc độ phát triển các dòng kháng sinh mới lại không mấy khả quan. WHO sau khi khảo sát các nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu của thế giới đã rút ra kết luận rằng hiện tại có quá ít các loại kháng sinh mới được nghiên cứu, và có rất ít những dòng kháng sinh mới.
Khi những loại kháng sinh đời mới không còn hiệu quả do tình trạng lạm dụng, nguy cơ tử vong do những bệnh nhiễm trùng thông thường nhất là điều có thể thấy trước. Đây là một viễn cảnh không xa mà Cố vấn trưởng Y tế Anh Sally Davies gọi là một “cuộc tận thế kháng sinh”.
Lạm dụng trong kê đơn
Nguyên nhân của thực trạng lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến sự xuất hiện của siêu khuẩn kháng thuốc không chỉ đến từ việc bệnh nhân tự ý mua và sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn, mà còn từ việc các bác sĩ thường xuyên kê đơn kháng sinh trong cả những trường hợp không cần thiết.
Tại Australia, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y khoa Australia cho thấy các bác sĩ nước này đang kê đơn thuốc kháng sinh cao gấp 9 lần mức chuẩn trong hướng dẫn. Nghiên cứu thực hiện trong thời gian 5 năm cho thấy các bác sĩ nước này đã lạm dụng kháng sinh để điều trị những bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, cúm và viêm amidan, trong đa số trường hợp bệnh nhân vốn dĩ có thể phục hồi mà không cần đến những loại thuốc này.
Còn tại Mỹ, nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC cho thấy cứ 3 đơn thuốc kháng sinh được kê trong phòng khám thì có 1 đơn thuốc là không cần thiết, tương đương với 47 triệu đơn thuốc mỗi năm chỉ riêng ở nước Mỹ.
Lý giải việc các bác sĩ lạm dụng kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đưa ra một số lý do như sau:
Áp lực từ bệnh nhân. Bệnh nhân và thân nhân của họ thường trông đợi một đơn thuốc có thể điều trị nhanh, dứt điểm sớm. Các nghiên cứu cho thấy tâm lý này gây áp lực lên các bác sĩ, khiến họ dễ dàng kê đơn kháng sinh để làm hài lòng bệnh nhân của mình.
Thời gian khám hạn chế cũng là một yếu tố khiến các bác sĩ kê đơn kháng sinh. Tại phòng khám, bác sĩ thường chỉ có một khoảng thời gian nhất định để khám, chẩn đoán và kê đơn cho mỗi bệnh nhân. Kết quả khảo sát ý kiến của các bác sĩ cho thấy họ thường nhanh chóng kê đơn kháng sinh để tránh phải giải thích dài dòng với bệnh nhân về việc vì sao chưa cần dùng tới loại thuốc này. Một nghiên cứu của CDC cũng cho thấy các bác sĩ bận rộn, phải khám cho nhiều bệnh nhân trong ngày cũng có xu hướng kê đơn kháng sinh nhiều hơn các bác sĩ ít bận rộn.
Việc phải kê quá nhiều đơn thuốc trong ngày cũng là một nguyên nhân khiến các bác sĩ lạm dụng thuốc kháng sinh. Việc phải liên tục chẩn đoán, đưa ra phương hướng điều trị trên nhiều bệnh nhân trong cùng một ngày ảnh hưởng đến khả năng đưa ra những quyết định nhất quán của bác sĩ. Nghiên cứu của CDC cũng cho thấy, về cuối ngày làm việc, bác sĩ thường kê đơn kháng sinh nhiều hơn lúc buổi sáng, khi mới bắt đầu ngày làm việc.
Chẩn đoán không chắc chắn là một nguyên nhân chủ đạo dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh trong kê đơn.
Những bệnh nhân nhiễm khuẩn và nhiễm virus đường hô hấp thường có biểu hiện giống nhau như ho, đau họng, nghẹt mũi, khiến các bác sĩ khó phân biệt nếu chỉ nhìn vào triệu chứng mà không xét nghiệm cụ thể.
Trong những trường hợp này, các bác sĩ thường quyết định kê đơn kháng sinh bởi họ cho rằng nguy cơ từ việc không sử dụng kháng sinh lớn hơn nguy cơ sử dụng thừa thãi.
Đặc biệt, nhiều bác sĩ có tâm lý không cho rằng mình là một phần trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp, dù các bác sĩ thống nhất rằng việc lạm dụng kháng sinh là một vấn đề nổi cộm, nhưng họ cho rằng trách nhiệm thuộc về các phòng khám khác hoặc các lĩnh vực y khoa khác.
Việc thay đổi thói quen lạm dụng kháng sinh là hoàn toàn có thể, nhưng cần có sự hợp tác của các bác sĩ. Việc quyết định kê đơn kháng sinh hay không có thể là một tiến trình không đơn giản, trong đó các bác sĩ không dựa vào kiến thức y khoa của mình mà còn chịu áp lực từ bệnh nhân, từ việc thiếu thời gian cũng như sự thiếu chắc chắn trong chẩn đoán.
Để thay đổi điều này không chỉ dựa vào ý thức cá nhân của từng bác sĩ, mà còn cần cả sự vào cuộc của những nhà xã hội học, các nhà quản lý và giới truyền thông.
Cũng giống như tài nguyên thiên nhiên, thuốc kháng sinh là loại thần dược bảo vệ mạng sống con người cần được khai thác hợp lý và cần được bảo tồn cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Sự xuất hiện của siêu khuẩn đa kháng không chỉ là thực trạng tại Việt Nam, mà còn xảy ra trên khắp thế giới. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO gọi đây là một “con sóng thần lặng lẽ”, tước đi của con người khả năng chống chọi với các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, lao, sốt rét. “Cơn sóng thần lặng lẽ” này đã bị phớt lờ quá lâu, dù trong nhiều năm nay, các chuyên gia vi sinh đã liên tục cảnh báo.