Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới ước tính, cứ 8 người sẽ có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Vào năm 2020, số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể vì đại dịch COVID-19. Ước tính khoảng hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.
Một thực trạng nữa là trong khi các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có tại các cơ sở, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần. Chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.
"Đây là hậu quả trực tiếp của tình trạng đầu tư dưới mức cơ bản, bởi vì các quốc gia chi trung bình chỉ khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần" Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng, rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt, dân gian thường gọi là điên. Thực tế tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5 - 6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác... Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
"Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định.
Trước những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày trở nên nghiêm trọng ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025, với mục tiêu chung là "tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh".
“Bộ Y tế đang xây dựng Đề án "Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần" để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Tại Việt Nam, mặc dù đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước có hai bệnh viện ở tuyến Trung ương là Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cùng với Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia. Tại tuyến tỉnh, hiện 43 tỉnh/thành phố có Bệnh viện Tâm thần, còn lại là Khoa Tâm thần trong Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội của tỉnh.
Cả nước hiện có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (1,7). Với điều dưỡng, chỉ số này chỉ đạt 3, thấp hơn trung bình toàn cầu (3,8). 37 tỉnh thành, phố không có nhân viên tâm lý lâm sàng./.