Hoạt động khai thác cát trên diễn ra rầm rộ 24/24 giờ, với số lượng lớn “tàu ma” (không đăng ký đăng kiểm, không có số hiệu) đã làm sạt lở bờ sông Hồng. Vậy nhưng, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định vẫn khẳng định hoạt động khai thác cát tại đây diễn ra đúng “quy trình,” thậm chí còn giúp giảm sạt lở.
Hút cát như…“ngày hội”
Một buổi sáng đầu tháng 8/2017, phóng viên VietnamPlus có mặt tại xã Giao Thiện (Giao Thủy, Nam Định) để tận mắt chứng kiến hoạt động khai thác cát “trá hình” đang diễn ra rầm rộ tại cửa biển Ba Lạt - nơi con sông Hồng kết thúc cuộc hành trình dài hơn 500km trên lãnh thổ Việt Nam trước khi đổ ra biển lớn.
Lãnh trách nhiệm “hoa tiêu” trong suốt cuộc hành trình tận mục sở thị “đại công trường” đục khoét lòng sông Hồng tại địa bàn xã Giao Thiện là anh Nguyễn Văn Thắng, cũng là người cung cấp cho phóng viên thông tin về nạn “cát tặc” tại cửa biển Ba Lạt trong suốt nhiều tháng qua.
Anh Thắng nhận lời đưa chúng tôi ra giữa lòng sông tận mục sở thị đại công trường hút cát bằng một chiếc tàu đánh cá và dặn dò kỹ lưỡng: “Ra đó, các anh quay chụp bí mật nhé, những người làm công trên tàu hiền lành, nhưng các chủ tàu thì hết sức manh động. Lỡ bị phát hiện, mai mốt bọn chúng tìm gây sự thì chết.”
Câu nói của anh Thắng khiến chúng tôi có cảm giác rờn rợn, nhưng cuối cùng, cả người lái tàu nữa là 4 người, chúng tôi vẫn quyết định khởi hành cuộc thị sát trên cửa biển Ba Lạt, chấp nhận hiểm nguy đang rình rập trước mắt.
Đúng 9 giờ 35 phút, sáng ngày 8/8, cuộc thị sát cửa biển Ba Lạt bắt đầu.
Sau vài tiếng gằn của động cơ, trước mắt chúng tôi là cảnh hàng loạt chiếc tàu đủ cỡ lớn, nhỏ không mang biển kiểm soát với đầy đủ những vòi rồng, máy móc đang dàn trận đục khoét lòng sông Hồng, dù gần khu vực khai thác là đồn biên phòng 84, thuộc Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định.
Theo quy định của pháp luật, tất cả các phương tiện hoạt động tại khu vực này đều phải đăng ký, đăng kiểm. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, những chiếc tàu không đủ điều kiện lưu hành (không có đăng ký, đăng điểm) vẫn ngang đục khoét lòng sông, hút cát trái phép ngay giữa ban ngày, khiến người dân ven bờ vô cùng bức xúc.
Điều đáng nói là, trong quá trình hàng chục chiếc tàu (khoảng hơn 50 chiếc tàu) đang thả vòi rồng xuống lòng sông hút cát rầm rộ như “ngày hội” vào sáng 8/8, thi thoảng lại xuất hiện chiếc ca nô nhỏ lần lượt chao lượn đến từng chiếc tàu để “kiểm tra” chớp nhoáng trong khoảng 2-3 giây rồi nhanh chóng phóng đi.
Vì sao chiếc ca nô trắng kia lại “kiểm tra” từng chiếc tàu hút cát chớp nhoáng như vậy? Tôi hỏi. “Có gì lạ đâu. Đó là chiếc ca nô đi thu tiền của các tàu khai thác cát. Nghe mấy ông làm cát bảo, tàu nhỏ mỗi lần ‘nộp thuế’ khoảng 1 triệu, tàu lớn thì nhiều hơn,” anh Thắng tiết lộ.
Có lẽ vì các chủ tàu đã “làm luật” nên khi chúng tôi áp sát đưa máy ra quay cận cảnh những cỗ máy đang đục khoét lòng sông, hàng chục chiếc tàu hút cát vẫn ngang nhiên hoạt động. Tiếng máy nổ gầm gào, từng chiếc vòi rồng dốc sức hút, nhả cát vào buông tàu. Tất cả diễn ra sôi động như ngày hội.
Chứng kiến cảnh tượng hàng loạt chiếc tàu đang đục khoét lòng sông, anh Thắng thở dài nói: “Tình trạng này diễn ra từ vài năm rồi, nhưng vài tháng trở lại dây diễn ra rầm rộ hơn, khiến hai bên bờ sông bị sạt lở đi nhiều. Cứ tình trạng khai thác này, mấy chốc nữa, khúc sông này có khi cũng thành biển.”
Vừa dứt lời, anh Thắng chỉ tay vào khu vực bờ sông bị sạt lở, đang được người dân dùng đá, bao bạt đắp chắn, để bảo vệ bờ đê, đầm nuôi tôm. Trong khi, hoạt động khai thác cát trên sông vẫn diễn ra rầm rộ.
Theo ghi nhận của phóng viên, có khoảng 50 chiếc tàu tham gia hút cát trước cửa biển Ba Lạt vào sáng 8/8/2017; trong đó nhiều tàu không có số hiệu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
“Khai thác cát giúp giảm xói lở bờ đê”
Vậy những chiếc tàu hút cát nhiễm mặn trước cửa biển Ba Lạt sẽ được đưa đi đâu? Tại sao hàng loạt tàu thuyền hoạt động không số hiệu ngang nhiên đục khoét lòng sông giữa ban ngày, vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn đường thủy, khai thác khoáng sản trái phép lại không bị lực lượng chức năng xử lý?
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Trần Thanh Minh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Giao Thiện, đã phủ nhận tình trạng “tàu ma” đục khoét lòng sông Hồng trước cửa biển Ba Lạt. Ông Thiện khẳng đinh: “Không hề có chuyện khai thác cát trái phép.”
Trong khi đó, ông Vũ Thanh Tình - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy lại khẳng định, tình trạng khai thác cát trên địa bàn vẫn đang “nóng.” “Trước thực tế này, chúng tôi đã tổ chức mật phục thường xuyên. Nếu không mật phục, có khi vài đêm, cát tặc đã phá tan bờ sông, cửa biển rồi,” ông Tình nói.
Có chung quan điểm, ông Mai Thanh Long - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy cho biết, trên địa bàn huyện, hiện tỉnh Nam Định mới cấp phép khai thác được 1 mỏ cát Giao Thiện thuộc xã Giao Thiện cho Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy.
“Tuy nhiên, hiện tại huyện vẫn không nắm được diện tích, mốc giới, cũng như số lượng tàu thuyền hoạt động vì chúng tôi chưa nhận được thông báo từ tỉnh cũng như phía doanh nghiệp, nên việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn. Trong khi, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa rồi lập đoàn liên ngành đi kiểm tra hoạt động khai thác cát tại xã Giao Thiện, huyện cũng không được tham gia. Về sau hỏi mới biết,” ông Long chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định - khẳng định, ngày 27/7/2017, đại diện Sở cùng các đơn vị chức năng đã đi kiểm tra hoạt động khai thác cát của Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy tại địa bàn xã Giao Thiện. Kết quả kiểm tra cho thấy, doanh nghiệp khai thác cát đúng quy trình.
“Qua theo dõi hàng năm của Ủy ban Nhân dân xã Giao Thiện, từ khi mỏ cát Giao Thiện hoạt động khai thác đến nay chưa phát hiện sạt lở đê điều và hiện tượng xói lở bờ đê đã giảm đi rất nhiều. Phương tiện tàu thuyền khai thác tại mỏ cát cũng đều được đăng ký để giám sát, quản lý,” ông Sơn nói.
Trước câu hỏi về hàng loạt chiếc “tàu ma” không đăng ký đăng kiểm, không có số hiệu vẫn ngang nhiên hoạt động trong những ngày gần đây (theo phản ánh của người dân có lúc lượng tàu lên tới 60-70 chiếc), Sở sẽ kiểm tra, xử lý thế nào?
Ông Sơn thắng thắn: “Khi chúng tôi đi kiểm tra không thấy tàu khai thác thì biết làm sao. Hơn nữa, những hôm đi kiểm tra, do thời tiết xấu nên khi ra hiện trường, tàu thuyền cũng ít.” Ông Sơn cũng khẳng định Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định cấp phép khai thác mỏ cát Giao Thiện, còn đơn vị được cấp phép khai thác thì phải có nghĩa vụ chấp hành.
Trong diễn biến liên quan, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Hoàng Thọ Hải - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Nam Định cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã xử lý 89 phương tiện vi phạm trên sông. Trong đó, tại khu vực mỏ cát Giao Thiện, đơn vị này đã xử lý 8 phương tiện về lỗi đăng kiểm và chở quá tải.
Ông Hải cũng khẳng định, hoạt động khai thác cát sông tại cửa biển Ba Lạt thuộc địa bàn huyện Giao Thủy diễn ra rất phức tạp. “Vì thế, chúng tôi luôn phải tổ chức đi tuần tra, nhưng các đối tượng, phương tiện thường hoạt động vào ban đêm nên việc bắt quả tang, xử lý cũng rất khó khăn,” ông Hải nói
Theo Vietnamplus