Thách thức lớn cho tương lai của Liên minh châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Mối quan hệ giữa Đức và Pháp luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của EU. Tuy nhiên, với những cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở cả hai nước, tương lai của EU đang đứng trước nhiều thách thức.
Cờ EU tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ.
Cờ EU tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ.

Bình luận trên tờ Tin tức Arab (Arab News) ngày 15/9, chuyên gia phân tích Andrew Hammond tại cơ quan tư vấn chính sách đối ngoại LSE IDEAS thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh), cho rằng trong lịch sử hậu chiến, Pháp và Đức đã luôn là hai trụ cột chính thúc đẩy quá trình hội nhập châu Âu. Tuy nhiên, vào tháng 9/2024, cả hai nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro đều đang trải qua những cuộc khủng hoảng chính trị đáng báo động, đặt ra nhiều thách thức lớn cho tương lai của Liên minh châu Âu (EU).

Khủng hoảng chính trị tại Đức và Pháp

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng sau cuộc bầu cử khu vực ở Đông Đức, nơi đảng cực hữu Alternative for Deutschland (AfD) giành chiến thắng vang dội. Với hơn 32% số phiếu được bầu tại Thuringia, AfD đã trở thành đảng cực hữu đầu tiên giành thắng lợi lớn như vậy kể từ thời Đức Quốc xã.

Dù đảng này chưa có cơ hội nắm quyền ở cấp quốc gia ngay lập tức, nhưng diễn biến này là dấu hiệu cho thấy sự hoài nghi của một bộ phận dân chúng đối với liên minh ba đảng cầm quyền hiện tại, do đảng Dân chủ Xã hội do Thủ tướng Scholz lãnh đạo, cùng với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do.

Liên minh này đang bị đánh giá thấp về khả năng tồn tại cho đến cuộc tổng tuyển cử vào năm 2025. Trong bối cảnh này, Thủ tướng Scholz phải đối mặt với thách thức chính trị kéo dài, đặt ra nguy cơ lớn cho sự ổn định của Đức và cả vai trò của nước này trong EU.

Trong khi đó, tình hình tại Pháp cũng không kém phần phức tạp. Tổng thống nước này, ông Emmanuel Macron đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị sau thành công của đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024. Đảng này, do bà Marine Le Pen lãnh đạo, đã giành được nhiều phiếu bầu nhất ở Pháp, khiến Tổng thống Macron phải kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 7 vừa qua.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử đã kết thúc với sự bế tắc chính trị, không có đảng nào giành được đa số rõ ràng. Ông Macron tiếp đó buộc phải bổ nhiệm Michel Barnier, một chuyên gia kỹ trị, làm thủ tướng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng ông Barnier có thể xây dựng một chính phủ bền vững và mạnh mẽ để ổn định tình hình chính trị tại Pháp.

Nhưng điều làm tình hình trở nên tồi tệ hơn lại là mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron. Kể từ khi bà Angela Merkel kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng Đức, Tổng thống Macron đã dần tìm cách cân bằng quan hệ với các quốc gia khác trong EU. Ông đã ký Hiệp ước Barcelona với Tây Ban Nha, tăng cường hợp tác về thương mại và năng lượng, bao gồm việc xây dựng một đường ống ngầm vận chuyển hydro giữa Barcelona và Marseille. Bên cạnh đó, ông Macron còn ký Hiệp ước Quirinale với Italy vào năm 2021, nhằm thắt chặt hợp tác về di cư và trí tuệ nhân tạo (AI).

Những động thái này cho thấy, trong khi liên minh Pháp - Đức vẫn giữ vai trò truyền thống là động lực của EU, Tổng thống Macron đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra các quốc gia khác. Quan hệ song phương giữa Pháp và Đức dưới thời Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron không hiệu quả như dưới thời bà Merkel, mặc dù cả hai quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Ukraine.

Tác động với tương lai của EU

Sự suy giảm trong quan hệ này không chỉ ảnh hưởng đến Đức và Pháp, mà còn tác động lớn đến tương lai của EU. Hiệp ước Elysee vào năm 1963 giữa Pháp và Đức đã tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác sau nhiều thế kỷ xung đột. Đến nay, hơn 6 thập kỷ sau, liên minh Pháp - Đức vẫn giữ vai trò chủ chốt trong việc định hình EU. Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng hiện tại ở cả hai nước đã đặt ra câu hỏi liệu Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron có thể vượt qua khó khăn chính trị trong nước và hàn gắn mối quan hệ song phương để dẫn dắt EU đối phó với các thách thức trong tương lai hay không.

Trong bối cảnh tình hình chính trị tại Đức và Pháp đầy biến động, EU đang phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là nguy cơ ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hoà Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2025. Cựu Tổng thống Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã hối thúc các quốc gia rời khỏi EU và sự trở lại của ông có thể tạo ra làn sóng bất ổn mới trong khu vực.

Theo chuyên gia Hammond, sự phối hợp mạnh mẽ giữa Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron có thể là chìa khóa để EU tiếp tục con đường hợp tác và hội nhập sâu rộng hơn. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, có một nguy cơ lớn rằng cả hai nhà lãnh đạo sẽ không đủ sức mạnh chính trị để vượt qua những thách thức trong nước và quốc tế.

Chuyên gia Hammond kết luận, nếu Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron không thể củng cố vị thế chính trị trong nước và cải thiện quan hệ song phương, EU có thể sẽ chỉ loay hoay duy trì hiện trạng mà không thể tiến xa hơn trong quá trình hội nhập sâu rộng hơn.

Hố lớn trên đường lăn sân bay Miyazaki sau vụ nổ bom. Ảnh: CNN.
Bom từ Thế chiến II phát nổ tại sân bay Nhật Bản
(Ngày Nay) - Một quả bom Mỹ chưa được phát hiện từ Thế chiến II đã phát nổ tại một sân bay của Nhật Bản, khiến cho hơn 80 chuyến bay bị ảnh hưởng và phải hoãn lại. Chính quyền Nhật Bản cho biết vụ việc không gây ra bất kì thương vong nào.
Hình logo OpenAI được chụp vào ngày 20/5/2024. Ảnh: Reuters.
Những tính năng mới của OpenAI nâng cấp quá trình tạo giọng nói
(Ngày Nay) - OpenAI đã hé lộ một loạt các công cụ mới giúp các lập trình viên dễ dàng tạo ra những phần mềm ứng dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt là trong bối cảnh khi ChatGPT đang phải cạnh tranh với những “ông lớn công nghệ” khác để theo kịp cuộc đua AI.