Mục tiêu của dự án là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dọc theo con đường tơ lụa, nâng cao giá trị của di sản vật thể, phi vật thể, đồng thời tăng cường tiềm năng con người và thể chế trong quản lý di sản ở các nước Trung Á. Nhìn chung, tất cả các sáng kiến trong dự án đều nhằm mục đích thúc đẩy vai trò và đóng góp của văn hóa cho sự phát triển bền vững của khu vực.
Ông Kęstutis Jankauskas, Đại sứ Liên minh Châu Âu (EU) tại Kazakhstan cho biết dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hồi sinh con đường tơ lụa, vốn đã kết nối Trung Á với châu Âu trong nhiều thế kỷ. Ông nhấn mạnh dự án không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa phong phú của khu vực mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Đại sứ cũng bày tỏ hy vọng rằng dự án sẽ thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến khám phá vẻ đẹp độc đáo của Trung Á. EU cam kết hợp tác chặt chẽ với các quốc gia Trung Á để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa chung của khu vực.
Sự kiện chia sẻ thành tựu của dự án “Hành lang Di sản Con đường Tơ lụa Trung Á”. Ảnh: UNESCO |
Các hoạt động phục hồi đã được thực hiện tại các di sản ở Trung Á như thành phố thời trung cổ Kulan (Kazakhstan), thành phố thời trung cổ Krasnaya Rechka (Kyrgyzstan), Vườn quốc gia Tajik (Tajikistan) và Di sản Thế giới tại Khiva (Uzbekistan).
Ngoài ra, dự án cũng đã sửa đổi và mở rộng ấn bản “Sổ tay đào tạo Hướng dẫn Di sản Con đường Tơ lụa” bằng tiếng Anh và tiếng Nga, đồng thời tạo ra một mục đặc biệt dành cho Con đường Tơ lụa trên nền tảng trực tuyến quốc tế “Hành trình Di sản Thế giới”.
Nhân sự kiện này, một triển lãm ảo gồm 60 hiện vật độc đáo từ các bảo tàng ở Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan đã được tổ chức. Du khách có thể tham quan triển lãm trực tuyến này để khám phá các hiện vật 2D và 3D về di sản con đường tơ lụa.