Thắm tình hữu nghị - Hướng tới tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tối 1/10, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức khai mạc Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ 3 năm 2022 với chủ đề “Thắm tình hữu nghị - Hướng tới tương lai”.
Thắm tình hữu nghị - Hướng tới tương lai

Đây là hoạt động trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977-18/7/2022); là dịp để tiếp tục khẳng định tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, sự gắn bó thủy chung, keo sơn giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lẵng hoa chúc mừng Ngày hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương hai nước Việt Nam, Lào; đại diện lãnh đạo 20 tỉnh của hai nước Việt Nam, Lào và hàng ngàn người dân thuộc cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên dự lễ khai mạc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết: Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng gần gũi và thân thiết, nhân dân hai nước tương đồng văn hóa, quan hệ truyền thống, thủy chung son sắt, gắn bó lâu đời. Mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước nâng niu, dày công vun đắp, ngày càng được củng cố và phát triển, trở thành tấm gương mẫu mực, trong sáng, là tài sản vô giá, nguồn lực quý báu và là nhân tố quan trọng bảo đảm thành công của sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước. Các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch của đồng bào các dân tộc vùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào lần III năm 2022 nhằm tôn vinh tầm vóc và giá trị đặc biệt của mối quan hệ Việt - Lào. Qua Ngày hội, quý vị đại biểu và du khách sẽ được hòa mình, trải nghiệm không khí sôi động của các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, của lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, các môn thi đấu thể thao do nghệ nhân, diễn viên, vận động viên trình diễn, thể hiện sức mạnh của sự hội tụ, tỏa sáng về tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác cùng phát triển giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Ounethouang Khaophanh khẳng định: Ngày hội là hoạt động rất quan trọng của hai nước, góp phần chào mừng Năm hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022, kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 45 năm Ngày Ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện. Thông qua các chương trình nghệ thuật đặc sắc và Hội thảo hợp tác phát triển du lịch càng tăng cường mối quan hệ giữa các tỉnh có chung tuyến biên giới giữa hai nước nhằm trao đổi thông tin du lịch, tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh của du khách, đồng thời và khuyến khích sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa Chính phủ và doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô nhấn mạnh: Điện Biên được bạn bè quốc tế biết đến với Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, có nhiều danh lam, thắng cảnh tươi đẹp, hùng vĩ, với 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, đặc trưng, được bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị. Điện Biên có hơn 400 km đường biên giới, tiếp giáp với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Trong những năm qua, quán triệt tinh thần chỉ đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã không ngừng tăng cường, củng cố và phát huy hiệu quả mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với 3 tỉnh Phong Sa Ly, U Đom Xay, Luông Phra Bang và tiếp tục mở rộng quan hệ, hợp tác với các tỉnh phía Bắc Lào. Việc tổ chức Ngày hội là dịp để tôn vinh, quảng bá, giới thiệu về lịch sử và những giá trị văn hóa truyền thống đầy tính nhân văn của 20 tỉnh có chung đường biên giới nói riêng, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào nói chung. Đây cũng là dịp để Điện Biên giới thiệu những nét đẹp của mảnh đất, con người nơi đây với quý bạn bè, du khách và nhân dân hai nước.

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sáng mãi tình hữu nghị Việt – Lào” gồm 3 chương được xây dựng với các cảnh diễn, lớp diễn trên nền sân khấu thiết kế, dàn dựng công phu, hoành tráng, quy mô, theo hình thức bán sử thi thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca múa nhạc kết hợp với lời bình, hình ảnh phim tư liệu. Trong đó, chương I “Trường Sơn chung dãy - Uống nước cùng nguồn” đã khái quát lại toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam, Lào. Tựa lưng chung dải Trường Sơn hùng vĩ, chia sẻ mạch nguồn của dòng Mê Kông huyền thoại, hai đất nước Việt - Lào đã vai kề vai, cùng tay nắm tay qua bao ngày tháng gian lao, ổn định, phát triển. Tình đoàn kết keo sơn ấy được khơi nguồn và càng lớn mạnh chính từ nơi mà đất mẹ thiêng liêng liền kề, hồn thiêng sông núi hoà chung, trở thành hình tượng đoàn kết chí tình, chí nghĩa, chí nguyện sáng ngời.

Chương II với tựa đề “Sắc màu biên cương” giới thiệu về mảnh đất, con người tỉnh Điện Biên - xứ sở hoa ban trắng trong quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển. Điện Biên - điểm hẹn hoà bình nơi biên cương Tổ quốc hôm nay là kết tinh, hội tụ những giá trị lịch sử hào hùng, vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng; kho tàng văn hóa phong phú độc đáo của 19 dân tộc anh em, đặc biệt là thành quả từ ý chí khát vọng, bàn tay, khối óc và sáng tạo của chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên qua nhiều thời kỳ. Đồng thời, thể hiện thế mạnh, tiềm năng phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào các dân tộc vùng biên giới cũng như nhân dân hai nước Việt Nam, Lào; tình nghĩa gắn bó keo sơn của đồng bào các dân tộc vùng biên giới cùng nhau đoàn kết, xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào hòa bình, hữu nghị và bền vững.

Chương III “Thắm tình hữu nghị - hướng tới tương lai” tiếp tục khẳng định tình đoàn kết hữu nghị truyền thống lâu đời, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào. Nền tảng quan trọng này đã mở đầu cho chuỗi hợp tác phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế - xã hội hai quốc gia; đồng thời khẳng định quan điểm, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, siết chặt tay hướng về tương lai.

Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III năm 2022 (từ ngày 1-3/10) sẽ diễn ra các hoạt động như: Triển lãm cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt Nam – Lào; trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa; Liên hoan văn nghệ quần chúng “Thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào và trình diễn trang phục dân tộc; Triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, đất nước, con người và những thành tựu kinh tế-xã hội của các địa phương có chung đường biên giới giữa hai nước; Hội thảo liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào…

Trước đó, chiều 1/10, tại Đền thờ Liệt sĩ ở Chiến trường Điện Biên Phủ (Đồi F, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) và Nghĩa trang Tông Khao (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên), Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã tổ chức Lễ viếng, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh của hai nước Việt Nam, Lào và đông đảo đồng bào dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, lực lượng vũ trang đã về dự trong không khí trang nghiêm, thành kính và tri ân.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.