Nằm ở góc đông nam của tường thành La Mã cổ, pháo đài này trước kia bằng gỗ được xây lại bằng đá tảng và gọi là Tháp Lớn. Tháp có dạng hình vuông, ngang 32 mét, dài 36 mét; với chiều cao 27 mét sừng sững vươn lên bầu trời. Sau khi một vị vua cho quét vôi, Tháp được đổi tên là Tháp Trắng.
Được bố trí một cách chiến lược tại một khúc cua trên sông Thames, đây là một điểm phân định quan trọng giữa sức mạnh của Thành phố Luân Đôn đang phát triển và sức mạnh của chế độ quân chủ. Nó có vai trò bảo vệ cho Thành phố thông qua cấu trúc phòng thủ và đồn trú, đồng thời kiểm soát các công dân bằng các phương tiện tương tự. Tháp theo nghĩa đen là “cao chót vót” xung quanh nó cho đến thế kỷ 19.
Những vua kế vị lần lượt cho xây thêm những ngọn tháp với kích thước khác nhau, hai bức tường dầy và một hào sâu bao bọc xung quanh, khiến công trình này trở thành một trong những pháo đài khó tấn công nhất ở châu Âu. Vào thời bình, Tháp là điểm xuất phát của những cuộc diễu hành long trọng trong ngày lễ đăng quang. Khi ngụ ở đấy, vua và đoàn tùy tùng sống trong những gian phòng được trang hoàng lộng lẫy, và vua chiêu đãi khách quý bằng những yến tiệc linh đình.
Tháp Luân Đôn là điển hình cung điện pháo đài từ thế kỷ 11 còn lại ở châu Âu với chức năng chính của tháp là một pháo đài, cung điện hoàng gia, và nhà tù (dành cho các tù nhân hoàng gia có địa vị cao, Nữ hoàng Elizabeth I từng bị giam tại đây). Cũng chính tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong lịch sử châu Âu, trong đó có cả việc xử tử hoàng hậu Anne Boleyn, Catherine Howard và Nữ Hoàng Jane Grey, lên ngôi chỉ được chín ngày.
Năm 1988, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO đã công nhận tháp Luân Đôn là Di sản thế giới.