Thêm hành lang pháp lý‎ để bảo vệ và phát huy giá trị di sản

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Nhiều điểm mới

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này gồm 9 chương, 95 điều (tăng 2 chương, 22 điều so với Luật hiện hành là 7 chương, 73 điều). Luật đã bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, tương thích với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo Cục Di sản văn hóa, Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua có những điểm mới cơ bản, cụ thể như: Quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Luật lần này cũng hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xác định cụ thể các trường hợp điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của di sản thế giới. Luật cũng quy định nguyên tắc và thẩm quyền thực hiện điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn; quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích.

Một số điểm mới nữa là các quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; quy định mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; bổ sung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; quy định chính sách về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; bổ sung chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ thống bảo tàng; bổ sung quy định cơ quan thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này cũng tập trung vào một số điểm, để giải quyết những điểm bất cập, bảo đảm tính hợp hiến, tính kế thừa, chỉ quy định những vấn đề mới đã rõ, được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; sửa đổi những quy định chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn đặt ra.

Trong đó, Luật quy định cụ thể: quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của tổ chức, người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích...

Phân cấp, phân quyền trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quy định rõ về thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa, để bảo đảm thực thi hiệu quả việc phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa...

Bên cạnh đó, Luật nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động sử dụng, khai thác di sản văn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, chuyển đổi số, việc xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, may mắn tham gia soạn thảo cũng như tham gia vào tổ thẩm định Luật Di sản văn hóa, bà tâm đắc với tất cả mọi điều trong bộ Luật. Từng điều của bộ Luật đã được các nhà làm luật, các nhà chuyên môn quan tâm và cẩn thận từng từ ngữ.

Theo Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, có nhiều điểm mới mà bà rất tâm đắc trong bộ Luật, ví dụ những điều kiện để bảo vệ di sản văn hóa. Đó là một chương mới Luật trước đây không có, nhưng trong Luật sửa đổi lần này đã đặt ra hẳn một chương để nói rõ rằng, để bảo vệ di sản văn hóa cần phải có một số điều kiện, trong đó, Luật đưa ra những điều khoản mới để thấy được rằng, chúng ta rất cần có một mạng lưới để bảo vệ di sản và cần sự chung tay của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo di sản được bảo vệ và không bị xói mòn, không bị thương mại hóa, không bị biến dạng, trong các điều khoản của Luật đã phải tính đến những điều kiện cần và đủ để kiểm soát sự mở rộng, sự phát triển các hình thức đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp…

Thứ 2 là những điều khoản về số hóa, kỹ thuật số với di sản văn hóa. Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý cho rằng, thời đại hiện nay, công nghệ là cánh tay nối dài, là phương tiện hỗ trợ cho tất cả mọi người, tất cả các ngành, nghề trong đó có ngành di sản văn hóa, những điều khoản như thế cũng mang lại nhiều điều lý‎ thú, hoặc là những điều hữu ích cho việc bảo vệ di sản.

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý chia sẻ, là chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể từ hơn 20 năm nay, nên bà rất tâm đắc với các điều khoản trong chương về phi vật thể. “Chúng tôi đã cẩn thận thảo luận nhiều về việc làm sao để tích hợp một cách nhuần nhuyễn và có hiệu quả nhất các công cụ pháp lý quốc tế như công ước UNESCO năm 2013 với các luật của mình, để chúng ta vừa có công cụ về mặt pháp l‎ý và vừa có điều kiện thực tiễn hài hòa, không quá lý thuyết hoặc quá hoài bão”, bà Lê Thị Minh Lý cho biết.

Một trong những điểm mới mà Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý tâm đắc nữa là trong bộ Luật sửa đổi lần này đã quan tâm hơn, chú trọng hơn đến những chủ thể, người sử dụng - những người sống cùng di sản, những người là đối tượng bảo vệ của di sản.

Theo Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, đối với những di sản phi vật thể, Luật trước đã có tích hợp các văn bản công cụ pháp l‎ý, quốc tế về di sản, nhưng cũng thể hiện rõ yếu tố di sản văn hóa phi vật thể là con người, khác với di sản vật thể. Bởi, di sản vật thể có thể tồn tại không cần con người, nhưng di sản phi vật thể phải có con người mới tồn tại được, vì thế con người chính là chủ thể và con người lại là người bảo vệ di sản.

"Luật Di sản văn hóa lần này đã sửa đổi những điều khoản để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, điều đó rất có ‎ý nghĩa", Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các văn bản, quy định chi tiết thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa được hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cấp bách đang đặt ra từ thực tế sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Miền Bắc giảm nhiệt sâu, rét đậm, có nơi dưới 10 độ C
Miền Bắc giảm nhiệt sâu, rét đậm, có nơi dưới 10 độ C
(Ngày Nay) - Không khí lạnh tiếp tục tăng cường, Bắc Bộ và Bắc Trung bộ trời rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ phổ biến từ 14 - 17 độ C, vùng núi 11 - 14 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.
Tiến trình hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ có nguy cơ chệch hướng
Tiến trình hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ có nguy cơ chệch hướng
(Ngày Nay) - Ngày 11/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc áp thuế trên diện rộng đối với hàng nhập khẩu có thể cản trở những nỗ lực nhằm hạ nhiệt lạm phát và khiến giá tiêu dùng tăng.
Vịnh Hạ Long: Sức sống bền vững của di sản thế giới 30 năm tuổi - Bài 3: Hệ sinh thái độc nhất vô nhị được gìn giữ
Vịnh Hạ Long: Sức sống bền vững của di sản thế giới 30 năm tuổi - Bài 3: Hệ sinh thái độc nhất vô nhị được gìn giữ
(Ngày Nay) - Cách đây 30 năm, ngày 17/12/1994, Việt Nam lần đầu được ghi danh Di sản thiên nhiên thế giới với danh thắng Vịnh Hạ Long. Những giá trị độc đáo, ngoại hạng của danh thắng được thiên nhiên ưu đãi, kiến tạo từ hàng triệu năm trước đã đem lại niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao cho Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Vịnh Hạ Long: Sức sống bền vững của di sản thế giới 30 năm tuổi - Bài 2:Phát huy giá trị cốt lõi của di sản Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long: Sức sống bền vững của di sản thế giới 30 năm tuổi - Bài 2:Phát huy giá trị cốt lõi của di sản Vịnh Hạ Long
(Ngày Nay) - Cách đây 30 năm, ngày 17/12/1994, Việt Nam lần đầu được ghi danh Di sản thiên nhiên thế giới với danh thắng Vịnh Hạ Long. Những giá trị độc đáo, ngoại hạng của danh thắng được thiên nhiên ưu đãi, kiến tạo từ hàng triệu năm trước đã đem lại niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao cho Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Vịnh Hạ Long: Sức sống bền vững của di sản thế giới 30 năm tuổi - Bài 1: Hành trình UNESCO vinh danh
Vịnh Hạ Long: Sức sống bền vững của di sản thế giới 30 năm tuổi - Bài 1: Hành trình UNESCO vinh danh
(Ngày Nay) - Cách đây 30 năm, ngày 17/12/1994, Việt Nam lần đầu được ghi danh Di sản thiên nhiên thế giới với danh thắng Vịnh Hạ Long. Những giá trị độc đáo, ngoại hạng của danh thắng được thiên nhiên ưu đãi, kiến tạo từ hàng triệu năm trước đã đem lại niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao cho Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Công bố phát hiện quần thể tiểu hành tinh siêu nhỏ trong Hệ Mặt trời
Công bố phát hiện quần thể tiểu hành tinh siêu nhỏ trong Hệ Mặt trời
(Ngày Nay) - Nhóm nghiên cứu thiên văn tại Đại học Liège của nước này cùng các đồng nghiệp quốc tế vừa công bố phát hiện quần thể 138 tiểu hành tinh nhỏ nhất từng được ghi nhận giữa sao Hỏa và sao Mộc. Đây là những thiên thể có đường kính chỉ khoảng 10 mét, nhóm nhỏ nhất từng được quan sát trong khu vực vành đai tiểu hành tinh.
Nhiều phát hiện mới sau khai quật 3 di tích khảo cổ học tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Nhiều phát hiện mới sau khai quật 3 di tích khảo cổ học tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
(Ngày Nay) -  Ngày 10/12, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức đánh giá và nghiệm thu kết quả khai quật 3 di chỉ khảo cổ học tại xã Kim Long, Cù Bị và Quảng Thành (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).