Hai thập niên thai nghén một tập thơ và Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2020. |
Sẽ thật không ngoa khi nói Cao Xuân Sơn là nhà thơ giàu ngôn từ nhất nhì thi đàn Việt Nam hiện nay. Vẫn với lối viết phóng khoáng nhưng công phu trong từng câu chữ, ngữ nghĩa, mang lại cảm giác phiêu diêu tự tại miên man mà giàu suy tưởng.
"...Sớm muộn rồi kịp tuốt/ Cho chuyến bay đời mình/ Ăn năn thì cũng tốt/ Cáu giận cũng thường tình/ Nhưng có lẽ hay nhất/ Mỉm cười và lặng thinh" (Chờ bay ở Nội Bài).
"Giải thưởng cho tôi thêm niềm vui nho nhỏ để tin vào lựa chọn của mình, tin vào mỹ cảm thi ca của bạn đọc. " - Thi sĩ Cao Xuân Sơn |
Đọc "Bấm chân qua tuổi dại khờ" để cảm nhận cốt cách một thi sĩ vẻ như ngang tàng nhưng dường như bị đời bắt phải chênh chao. Bên cạnh cách sử dụng từ giàu tầng nghĩa, giàu suy tưởng, nhà thơ không chỉ vẽ ra bức tranh cõi người lung linh giữa cõi đời mà còn hướng con người đến ý thức, đến lý tưởng về cuộc sống.
"Bấm chân qua tuổi dại khờ" ấm áp tình yêu, tình người, tình đời. Tập thơ còn đong đầy sự đồng cảm và tinh tế. Một chiếc lá cuối đông Hà Nội, một nỗi niềm khắc khoải của lá khi rơi, đâu đó vang lên trong tâm tưởng lòng xót xa, bàng hoàng, thương cảm cho những nỗi đau của chiến tranh, ly biệt, thiên tai. Và cũng không khỏi nuối tiếc, day dứt về những giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, về những đổi thay trước cơn sóng của đô thị hóa.
Bên trên con dốc cuộc đời, tác giả còn tha thiết dành nhiều tình cảm cho hai người thân yêu của mình, đó là mẹ và con gái. Đọc những lời bộc bạch, những tâm niệm nhỏ nhoi của nhà thơ mà như thấy cả một miền yêu dấu gói ghém trong tâm tình.
Xưa nay trăm tài nghìn sắc/ không ngoài hai chữ thiện lương/ cứ thế mà đi, con gái/ cả khi mình con một đường”(Dặn con gái)
"Bấm chân qua tuổi dại khờ" không cầu kỳ, không phô trương, ngôn từ mộc mạc, mộc mạc nhưng lại sang trọng, sang trọng mà trong trẻo và giữ được nét thuần khiết, giàu đẹp vốn có của Tiếng Việt ngàn đời.
Như đã nói ở trên, thi sĩ Cao Xuân Sơn vốn giàu ngôn từ, đặc biệt là cách vận dụng ngôn ngữ dân gian, ngôn ngữ "nhà quê " một cách nhuần nhuyễn và hợp lý khiến cho những câu thơ như một đầu nguồn róc rách tiếng nước chảy mát ngọt, thấm đến từng chiếc lá, từng khe đá, từng mảnh đất dẫu cằn khô.
"Đêm nghiêng vỡ giấc thị thành / Nỗi quê cục tác vào anh tiếng gà"
Hay:
"Bao năm biệt xứ mù khơi/ Anh như gió bấc mồ côi mưa phùn"
“Xin đem mấy chục tuổi đầu/ đặt mua vé vớt chuyến tàu ăn năn/ ví còn mộng mị gió giăng/ thề cho kiếp nữa nhọc nhằn với thơ” (Giật mình chiều muộn)
Bìa tập thơ "Bấm chân qua tuổi dại khờ" do NXB Hội Nhà Văn ấn hành. |
“Bấm chân qua tuổi dại khờ”, là bài thơ viết từ năm 2002 và được lấy làm tiêu đề của tập thơ với hơn 100 bài. Hai thập niên chỉ để thai nghén một tập thơ, nên nếu như tiên sinh Phùng Quán từng "Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ đứng dậy" thì hẳn trong hai thập niên qua, Cao Xuân Sơn cũng đã bao lần "vịn" để đứng dậy khi không có gì ngoài thơ:
Đường gần hun hút nẻo xa/ Vịn vào nước mắt mà qua phận mình” (Vịn)
Xin chúc mừng và cũng xin cảm ơn thi sĩ Cao Xuân Sơn với "Bấm chân qua tuổi dại khờ "
Một sự trở lại để hồn thơ Việt mãi luôn đong đầy những thấm đẫm thương yêu.
Tôi không mấy hứng thú, cũng không có “duyên” lắm trong các cuộc săn giải thưởng. Với tôi, được sống và được chia sẻ những xúc cảm, chiêm nghiệm cá nhân bằng ngôn từ và nếu may mắn, số ít trong đó tìm được sự đồng điệu, đồng cảm từ bạn đọc, đó mới thực sự là phần thưởng quý giá nhất.
Với tập thơ này, tôi dường như có được ít nhiều may mắn ấy. Khoảng thời gian hai thập niên không in tập thơ mới nào đã giúp tôi tự thanh lọc, loại bỏ những màu mè, điệu đà, làm dáng… trong thơ mình. Tôi nghiệm ra một vài điều, chẳng hạn: khi viết có thể viết thoải mái, tung tẩy tự nhiên như hơi thở, nhưng khi in sách, chỉ nên chắt lọc những gì là mình nhất. Với thơ, tôi nghĩ viết càng ngắn, càng bớt nhàm chán và dĩ nhiên, càng khó.
Giải thưởng cho tôi thêm niềm vui nho nhỏ để tin vào lựa chọn của mình, tin vào mỹ cảm thi ca của bạn đọc.
- Thi sĩ Cao Xuân Sơn chia sẻ với độc giả Tạp Chí Ngày Nay-