Các nhà khoa học phát hiện một kim loại chưa bao giờ thấy trước đây ở lõi thiên thạch sắt ở vùng hẻo lánh Australia vào thập niên 1950. Giới nghiên cứu đã tìm hiểu thiên thạch Wedderburn trong hơn nửa thập kỷ nhưng đây là lần đầu tiên họ biết tới sự tồn tại của kim loại edscottite.
Thiên thạch sắt màu đỏ và đen nặng 0,2 kg được tìm thấy ở bang Victoria, cách thị trấn Wedderburn 4,8 km. Theo nhà khoa học hành tinh Geoffrey Bonning ở Đại học Quốc gia Australia, thiên thạch này hình thành bên trong phần lõi nóng chảy của một hành tinh bị nổ tung cách đây hàng triệu năm.
Từ khi phát hiện vật thể vào năm 1951, các nhà khoa học đã cắt nhiều lát nhỏ từ thiên thạch Wedderburn để tìm hiểu thành phần của nó. Khối đá ban đầu ngày nay chỉ còn nặng 0,07 kg, nằm trong hầm chứa của Bảo tàng Victoria. Năm 2018, nhà nghiên cứu Chi Ma and Alan E. Rubin đến từ Đại học California, Los Angeles, nhận được một mẫu vật thiên thạch. Họ cố gắng xác định liệu nó có chứa bất kỳ khoáng chất hiếm nào không.
Theo phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện khối thiên thạch chứa edscottite. Đây là khoáng chất hình thành trong quá trình nấu chảy sắt nhưng chưa bao giờ được tìm thấy trong tự nhiên. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Mineralogist hôm 1/9. Tên gọi của khoáng chất mới nhằm vinh danh Edward R.D. Scott, nhà hóa học vũ trụ tiên phong ở Đại học Hawaii, Manoa, vì những đóng góp của ông trong nghiên cứu thiên thạch.
Thiên thạch Wedderburn có nguồn gốc từ một hành tinh cổ đại có lõi nóng chảy, theo Bonning. Nhiệt độ và áp suất ở lõi hành tinh đã góp phần tạo ra edscottite. Hành tinh này có thể va chạm với hành tinh hoặc mặt trăng khác và bị phá hủy, khiến những khối đá văng khắp vũ trụ. Một khối đá trong số đó là thiên thạch Wedderburn đã rơi xuống tiểu hành tinh nằm giữa sao Mộc và sao Hỏa. Cuối cùng, tiểu hành tinh bay chệch khỏi quỹ đạo và đâm vào Trái Đất.