Trang Daily Express đưa tin, mới đây đội ngũ giám sát xe robot thăm dò Trung Quốc Yutu-2 đã phát hiện ra một ngạc nhiên lớn trên bề mặt tối không nhìn thấy được của Mặt Trăng. Ngay lập tức, Trung Quốc phải phái thêm các chuyên gia và tạm ngừng các nghiên cứu đã lên kế hoạch trước để tập trung giám định chất liệu đặc biệt mà Yutu vừa tìm thấy.
Tàu thám hiểm Mặt Trăng Thường Nga 4 (Chang'e-4) được phóng đi từ Trái đất vào ngày 7/12/208, đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên hạ cánh xuống hố Von Karman, nằm tại bán cầu nam ở phần bề mặt không nhìn thấy của Mặt Trăng vào ngày 3/1/2019.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ thăm dò, xe robot Yutu-2 đã khám phá ra hai loại vật chất trên bề mặt Mặt Trăng. Theo tờ báo Anh, vào ngày 28/7 đội ngũ điều khiển Thường Nga 4 đang định tạm ngắt năng lượng của Yutu-2 trong một ngày nhằm bảo vệ thiết bị khỏi các tia bức xạ Mặt Trời. Tuy nhiên, một nhà khoa học người Trung Quốc đã phát hiện ra một bức hình có vẻ kỳ lạ mà camera chính của Yutu-2 ghi lại được. Bức ảnh miêu tả một hố Mặt Trăng nhỏ được lấp đầy bởi một chất chưa giải thích được với màu sắc và độ sáng không giống với môi trường xung quanh của Mặt Trăng.
Thiết bị Trung Quốc đã dần dần tiếp cận vật thể lạ trên hố Mặt Trăng một cách cẩn trọng sau đó hướng về chất lạ kia và miêu tả nó "giống như keo". Yutu-2 cũng đã xem xét khu vực xung quanh bằng thiết bị đặc chủng, cho phép phát hiện ánh sáng theo cách có thể khiến vật ngụy trang bị phát lộ.
Giới khoa học Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa lời giải thích chi tiết về chất có dạng giống như keo trên.
Tuy nhiên, tờ Daily Express dẫn lời một số nhà nghiên cứu cho rằng, phát hiện này có thể có liên quan tới hiện tượng thủy tinh tan chảy được tạo ra do các thiên thạch va chạm với bề mặt của Mặt Trăng.
Các biện pháp đo đạc và thí nghiệm của các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành với sự giúp đỡ của xe Yutu-2 trong tương lai, được kỳ vọng sẽ góp phần giúp giải thích nhiều lý thuyết còn đang bí ẩn xung quanh sự hình thành của Mặt Trăng.