Thông tin tại buổi lễ ra mắt 2 ứng dụng công nghệ giúp chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 18/4 tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, việc tư vẫn hỗ trợ khám chữa bệnh trên nền tảng công nghệ thông tin đã giúp giải quyết được nhiều việc như giải quyết việc người bệnh ở nhà vẫn được chăm sóc y tế, tuyến dưới tiếp nhận những tư vấn rất giá trị từ tuyến trên…Trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, tại Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn hỗ trợ chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19”. Trung tâm này thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh.
“Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dướ. Người bệnh điều trị tại tuyến dưới cũng được hưởng chăm sóc sức khoẻ như tuyến trên bởi khi cần thiết, các chuyên gia đầu ngành sẵn sàng cùng hội chẩn phương án điều trị cho bệnh nhân bằng hình thức trực tuyến từ xa”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng đã 2 lần cùng tham gia hội chẩn trực tuyến cùng các chuyên gia đầu ngành để điều trị bệnh nhân nặng tại Trung tâm. Trung tâm hỗ trợ chuyên môn được thành lập đã đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám chữa bệnh trong xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh tật, đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm COVID-19.
“Đến giờ phút này, tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Chính vì thế các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công.
Riêng trường hợp nặng nhất là bệnh nhân phi công người Anh (BN91) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã có nhiều tiến triển. Tri giác đã cải thiện, khí máu đã cải thiện. Tình trạng rối loạn đông máu kiểm soát tốt. XQ phổi không tổn thương xấu thêm. Hy vọng với sự nỗ lực của các y bác sĩ điều trị, bệnh nhân này sẽ qua được "lưỡi hái tử thần"
Thông tin thêm về tình hình điều trị các bệnh nhân COVID-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Phó trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, hôm nay (18/4), đã có thêm 03 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, cả 03 bệnh nhân này đều là người nước ngoài. Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 201 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 75% tổng số bệnh nhân).
67 bệnh nhân còn lại hiện đang điều trị tại 12 cơ sở y tế trên cả nước, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có số lượng bệnh nhân điều trị đông nhất với 43 bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.
Về sức khoẻ của các bệnh nhân nặng mắc COVID-19, cũng như nam bệnh nhân phi công, các bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều đã có nhiều tiến triển.
BN19: Hiện tỉnh táo, tiếp xúc được, không sốt; kết quả xét nghiệm lần gần đây nhất- ngày 15/4 của bệnh nhân này đã âm tính lần 3 với SARS-CoV-2
BN161: Hiện đang thở máy không xâm nhập; Chức năng thận bình thường; gọi hỏi bệnh nhân đã giao tiếp chậm.