Trình bày tại Hội nghị giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày 15/3 tại An Giang, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá vai trò quan trọng của sản xuất lúa gạo tại đây trong việc phát triển kinh tế vùng và của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị, xã hội, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân.
“Sau 30 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo ở ĐBSCL đạt được thành quả to lớn; góp phần quan trọng đưa nước ta từ cảnh thiếu ăn, đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực trở thành một cường quốc xuất khẩu lương thực. ĐBSCL chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo báo cáo, năm 2016, các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá 2,1 tỷ USD. Hạt gạo Việt Nam đã có mặt trên hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ...
Tuy nhiên, tại hội nghị, các đại biểu cùng nhận định ngành lúa gạo Việt Nam còn nhiều hạn chế, thiếu tính bền vững. Ở ĐBSCL, bình quân mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa một năm đạt lợi nhuận 35-40 triệu đồng mỗi ha, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, 1,5 lần so với Indonesia và Philippines…
Đại diện Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; sử dụng phân thuốc còn nhiều và chi phí lao động, thất thoát sau thu hoạch còn cao… Chính những điều này làm giá thành hạt gạo của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Trong khi gạo Thái Lan, Inddonessia, Campuchia… chất lượng vượt trội, đồng đều thì gạo Việt chất lượng chưa cao, không ổn định.
Đại diện Vinafood 1 kiến nghị Chính phủ sớm xem xét mở rộng hạn điền, bỏ thuế xuất 5% VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, kiểm soát việc sản xuất và sử dụng phân bón; tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, dự báo thị trường… đặc biệt là nâng cao chất lượng hạt gạo.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Vương Bình Thạnh nhìn nhận ngành lúa gạo địa phương cũng như ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức. Cụ thể, sản lượng đã cao nhưng chất lượng hạt gạo chưa đáp ứng nhiều thị trường khó tính. Nông dân chưa quen sản xuất theo chuỗi giá trị. Thông tin liên lạc, thị trường cho doanh nghiệp còn hạn chế và gần đây là tình hình biển đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ cần nâng mức hỗ trợ lúa nước cho nông dân từ 1 triệu đồng lên 3 triệu đồng một ha; xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng gạo tại ĐBSCL; xây dựng quỹ bình ổn giá để Chính phủ không phải bỏ ra số tiền lớn mua gạo tạm trữ…
Việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết... đẩy chi phí lên cao làm cho lợi nhuận của người trồng lúa rất thấp. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiều năm qua, gạo Việt Nam đã xuất đi hàng trăm nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, từ đó góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an ninh lương thực của cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả trồng lúa rất thấp, lãi cao nhất chỉ khoảng 30 triệu đồng một ha mỗi năm.
Theo Thủ tướng, thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực và có khát vọng xây dựng thương hiệu quốc gia nhưng lại chưa có phương pháp tốt nên không làm được. Trong khi đó, về sản xuất lúa gạo, Campuchia đi sau Việt Nam nhưng họ đã có thương hiệu gạo mạnh trên thế giới, thâm nhập được thị trường châu Âu.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng năm 2017 và những năm tới đây, ngành lúa gạo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nên đòi hỏi phải sớm tái cơ cấu và cần tầm nhìn mới đi kèm với những hoạch định chiến lược, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới.
“Các Bộ, ngành cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, nhất là khoa học công nghệ. Phải bỏ tư duy sản xuất chạy theo sản lượng, năm sau cao hơn năm trước, mà giá trị thấp. Thay vào đó là sản xuất chuyên sâu, nâng cao giá trị của ngành hàng, làm theo quy trình gạo hữu cơ, an toàn thực phẩm…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, đồng thời cho rằng muốn nâng cao thu nhập cho nông dân thì trước mắt phải giảm các khâu trung gian. Dù ngành này rất cần có thương lái để thu mua, lưu thông hàng hóa nhưng không lệ thuộc quá nhiều, mà thay vào đó là phát triển mối liên kết sản xuất. Các địa phương và các bộ, ngành có liên quan phải triển khai các giải pháp đột phá. Thay đổi quy mô trong sản xuất lúa bằng cách mở rộng hạn điền, tổ chức mô hình hợp tác xã kiểu mới, cơ giới hoá nông nghiệp.
Bên cạnh đó là xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng Việt Nam, thay đổi chích sách thuế, tạo nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất chấp nhận được để nhà sản xuất, chế biến gạo xuất khẩu có thể tiếp cận…
Thủ tướng cũng lưu ý ngành nông nghiệp các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cần có cách phục vụ tốt cho thị trường trong nước trong thời gian tới, tức là chú trọng thị trường tiêu thụ nội địa, đừng để gạo của quốc gia khác “nằm đầy kệ ở Việt Nam”...