Sau khi nghe báo cáo tổng kết của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, báo cáo đã nêu đầy đủ các kết quả nhưng “nguyên nhân gì dẫn đến kết quả đó”, trong lãnh đạo, chỉ đạo, vai trò của các thành phần xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã hay sự nhận thức của người nông dân đối với tái cơ cấu như thế nào.
Nhắc lại ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ và địa phương vừa qua rằng “năm 2019 phải hơn năm 2018”, Thủ tướng cho rằng, năm ngoái xuất khẩu nông nghiệp đạt 40,02 tỷ USD, là một kỷ lục, vậy năm nay hơn là bao nhiêu, chủ trương, biện pháp mới nào để tạo nên cái hơn đó?
Thủ tướng đặt vấn đề nút thắt trong ngành nông nghiệp hiện nay là gì, ngoài nút thắt về đất đai thì còn nút thắt nào cần thảo luận tại Hội nghị hôm nay? “Nhiều khi chúng ta tháo gỡ nhưng tháo gỡ không đến nơi đến chốn, chưa đúng chỗ thì nông nghiệp khó phát triển”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng mong muốn các đại biểu thảo luận về giải pháp đối với những vấn đề thuộc quản lý ngành nông nghiệp như giống, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, “để bà con yên tâm chất lượng tốt, giá cả tốt, không có phân bón giả, giống giả…”. Đây là khâu rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng nông sản.
Vấn đề nữa là sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các ngành khác. “Ai làm thị trường, ai làm chất lượng, trách nhiệm làm sao?”, Thủ tướng lưu ý cần xem xét vấn đề nảy sinh đối với ngành nông nghiệp khi chúng ta tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do như CPTPP hay EVFTA.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để gỡ nút thắt cho nông nghiệp Việt Nam phát triển, không chỉ xử lý vấn đề làm sao để 100 triệu dân có thực phẩm an toàn, đời sống nâng lên, nông dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước mà điều quan trọng là hướng vào xuất khẩu, nâng kim ngạch hơn so với năm 2018, một mục tiêu rất khó khi con số hiện nay đã ở mức cao.
Ngành nông nghiệp đã thể hiện là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, trở thành một động lực tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 3,76% trong năm 2018, được xem là cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Việt Nam khẳng định vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất khẩu sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ). Kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt kỷ lục trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở nên phổ biến, chủ đạo. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung-cầu còn bất cập.
Dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý ATTP vẫn rất khó khăn, phức tạp. Một số địa phương cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới để chuyển sang giai đoạn nâng cao, nhưng một số địa phương có số xã đạt chuẩn rất thấp.
Năm 2019, ngành nông nghiệp xác định và hướng tới: Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.