Theo thống kê, 21% vận động viên nữ và 11% vận động viên nam từng trải qua ít nhất một lần bị lạm dụng tình dục. Đây là con số vô cùng báo động, cho thấy bạo lực vẫn đang là một vấn đề nhức nhối trong thể thao, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ hội, sự phát triển và quyền lợi cơ bản của vận động viên.
49% nữ giới bỏ học các chương trình thể thao ở độ tuổi vị thành niên, cao gấp 6 lần so với nam giới. Việc thiếu vắng các vận động viên nữ thành công có thể khiến trẻ em gái không có nguồn cảm hứng và động lực để theo đuổi thể thao. Một số cảm thấy lo lắng về sự an toàn của bản thân khi tham gia thể thao, đặc biệt là trong các môn thể thao cá nhân hoặc ở những nơi vắng vẻ. Áp lực xã hội về hình ảnh cơ thể hoàn hảo cũng là tác nhân khiến trẻ em gái cảm thấy tự ti về ngoại hình, e dè tham gia thể thao.
Chênh lệch về mức lương trong thể thao chuyên nghiệp vẫn còn tồn tại. Danh sách 50 vận động viên được trả lương cao nhất thế giới của Tạp chí Forbes thậm chí không xuất hiện một phụ nữ nào.
Ngày 24/7, UNESCO sẽ tổ chức một hội nghị tập hợp các Bộ trưởng Thể thao trên thế giới tại trụ sở chính ở Paris (Pháp). Mục tiêu của hội nghị là thảo luận các hành động chính trị cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao.
Nhằm giải quyết những thách thức dai dẳng về bình đẳng giới trong thể thao, UNESCO đã kêu gọi và hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện 6 biện pháp thiết yếu: (1) Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua thể thao; (2) Đảm bảo truyền thông bình đẳng; (3) Thiết lập khuôn khổ pháp lý vững chắc; (4) Củng cố cơ chế báo cáo và quy trình tư pháp; (5) Đầu tư vào giáo dục và đào tạo; (6) Tăng cường nghiên cứu và lắng nghe, chia sẻ.