Tiếng khèn gọi Tết về trên bản Mông

(Ngày Nay) - Người Mông ăn Tết cổ truyền trong ba ngày, từ 1-3 tháng Chạp, sớm hơn 1 tháng so với Tết người Kinh. Cái Tết của người Mông kéo dài suốt một tuần sau đó với nhiều hoạt động vui chơi tại các chợ và sân vận động… Với người Mông, Tết là ngày của đoàn viên, của no ấm và của những niềm vui bất tận.
Tiếng khèn gọi Tết về trên bản Mông

Đậm đà văn hóa núi rừng

Lên các tỉnh miền núi Tây Bắc vào những ngày đầu tháng Chạp sẽ dễ dàng gặp từng tốp người Mông dọc trên các con đường vào bản. Những cô gái mang trên mình bộ váy áo sặc sỡ, các chàng trai mặc những bộ quần áo mới tinh, trang trí cầu kỳ. Họ cùng nhau đi về các sân vận động, những khu chợ để tham gia các hoạt động vui chơi. Ấy là khi cái Tết đã về với người Mông nơi đây.

Người Mông ở Mộc Châu, Sơn La không nằm ngoại lệ. Khi những cây mơ, cây mận nở trắng trời, người Mông bắt đầu bước vào những ngày nghỉ Tết. Trước đó cả tháng, khắp các bản làng ở xã Lóng Luông, Tân Lập, Lóng Sập, Chiềng Xuân, Chiềng Sơn… đã nhộn nhịp không khí chuẩn bị ngày Tết. Khi ấy, trong mỗi nhà, thóc lúa, ngô khoai đã đầy bồ, lợn gà, trâu bò đầy sân... Người Mông nghỉ làm nương rẫy, mỗi người mỗi việc chuẩn bị cho cái Tết đoàn viên. Những đàn bà miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông tất bật đi mua sắm đồ hay thịt lợn gà làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình. 

Tiếng khèn gọi Tết về trên bản Mông ảnh 1Các chàng trai, cô gái Mông tìm hiểu nhau tại các phiên chợ

Men theo con đường rừng quanh co, chúng tôi tìm đến nhà ông Giàng A Súa, trưởng bản Pa Khen 1,  thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Nhấp chén trà ấm nồng, ông Giàng A Súa cho biết: Theo quan niệm của người Mông, một năm không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày đều đặn, ngày thứ 361 là ngày mồng 1 Tết. Bởi vậy, Tết của người Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán của người Kinh 1 tháng.

Người Mông ăn Tết cổ truyền trong ba ngày, từ 1-3 tháng Chạp. Trong ba ngày này, người Mông thực hiện các nghị thức cúng tổ tiên và đến nhà nhau chúc Tết. Họ dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những "người bạn" trong lao động, sản xuất.

Nếu như với người Kinh ở miền xuôi, mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết người Mông phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất.

Tiếng khèn gọi Tết về trên bản Mông ảnh 2

Người Mông tập trung tại các sân vận động để chơi các trò chơi truyền thống

Nói về món ăn truyền thống không thể thiếu này, ông Giàng A Súa vẫn không khỏi tấm tắc về sự kỳ công khi làm nên sản vật. Gạo nếp nương thơm ngâm và đồ thành xôi đổ vào một máng gỗ, các chàng trai sức vóc khỏe mạnh dùng chày thay nhau giã đến khi thật nhuyễn và mịn, rồi gói lại bằng lá chuối. 6 cặp bánh đầu tiên gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong một năm được dâng lên trời đất và vị thần mùa màng. Những chiếc bánh còn lại xếp vào hũ gỗ đậy kín lại để ăn và thết đãi khách quý.

“Bánh dày thể hiện sự công phu của những con người quanh năm gắn bó với ruộng nương, gói ghém những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dịp Tết, nhà nào cũng cố gắng gói thật nhiều bánh, vừa để gia đình ăn, vừa để tiếp khách và biếu họ hàng” – ông Súa cho biết.

Cũng theo ông Súa, cúng giao thừa đêm 30/11 Âm lịch và bữa cơm tất niên rất được coi trọng.  Những chiếc bánh dày, những chai rượu ngô sẽ được bày trang trọng trên mâm cỗ cúng tất niên cùng với gà trống sống đã được cắt tiết. Từ mâm cơm cúng lễ, đến bữa cỗ ngày Tết không thể thiếu gà trống, vì theo truyền thuyết, gà trống tượng trưng cho thần mặt trời, ban phát ánh sáng và sự sống.

Trên bàn thờ lúc này cũng không thể thiếu một nhúm lông gà có tẩm tiết gà dán vào mảnh giấy, rồi tất cả đem dán trên bờ tường - nơi người Mông quan niệm đó là chỗ trú ngụ của thần linh.Những bữa cúng sau, gia chủ sẽ cúng thần linh bằng thịt gà hay thịt lợn đã được luộc chín.

Tiếng khèn gọi Tết về trên bản Mông ảnh 3

Người Mông không đón giao thừa mà quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… Người Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.

Trong 3 ngày Tết, người Mông kiêng thổi lửa, kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng tiêu tiền, cho ai hoặc xin ai bất kỳ cái gì, không hót rác, không ăn cơm chan. Cũng theo quan niệm của người Mông, trong những ngày Tết, nhà nào có nhiều khách đến trong dịp năm mới thì năm đó sẽ làm ăn tốt hơn.

Ông Súa cho biết, đặc trưng rõ nét trong Tết của người Mông là tính cộng đồng. Từ 1-3 Tết, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Từ ngày Mùng 4, người Mông mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ trưng diện trong dịp này.  Phụ nữ mặc những bộ váy truyền thống sặc sỡ. Trang phục của các chàng trai người Mông đơn giản hơn, quần đen ống xòe rộng, dây thắt lưng vải viền hoa văn, với những hàng khuy nhiều mầu sắc do chính đôi tay khéo léo của mẹ và chị gái khâu... Không khí vui vẻ tràn ngập các bản làng của người Mông. Hòa cùng tiếng khèn, tiếng hát rộn rã là tiếng lanh canh của những chiếc vòng, lắc bạc nhịp nhàng theo bước chân của những chàng trai, cô gái Mông... Trẻ em có lẽ là những người vui nhất trong dịp Tết vì chúng có thể tạm quên việc học và thoải mái chơi đùa.

10 ngàyvui thả ga

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng trong mấy ngày Tết đến xuân về, người Mông ở Mộc Châu gác lại mọi bồn bề, lo toan. Họ vui chơi thoải mái để chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới.

Qua các bản Pa Khen, Tà Phình, Phiêng Cành ở thị trấn Nông trường và xã Tân Lập, không khí xuân rộn ràng với một hương sắc thật riêng của núi rừng.  Tại các sân vận động rộng,  bà con tập trung chơi xuân với các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay…

Chúng tôi gặp anh Giàng A Thái tại sân vận động bản Pa Khen 1 khi đang xem đánh tu lu. Anh Thái cho biết, nhà có 4 người nhưng sau ngày mùng 3 Tết thì cả gia đình anh đều không ở  nhà mà tới các sân vận động để vui chơi. Gia đình anh có trồng mấy chục gốc mận, vài nương ngô, ruộng bí nhưng từ khi Tết đến thì tạm dừng tất cả. Trong 3 ngày Tết, gia đình anh cũng làm gà, lợn cúng tổ tiên, sang nhà những người anh em sống ngay bên cạnh để ăn cỗ, uống rượu mừng.

Từ mùng 4 tới mùng 10, người dân bản Pa Khen 1 dành cho các hoạt động vui chơi. Vừa chỉ về từng tốp thanh niên say mê với những chiếc tu lu, anh Thái cho biết, ngoài các trò chơi truyền thống là bóng đá, thời gian gần đây có cù nhựa nên đánh tu lu được đông đảo thanh niên người Mông hưởng ứng. Những năm gần đây, nhiều bà con trong bản còn chơi một số môn thể thao mới như cầu lông, bóng chuyền. Cũng trong các ngày này, các dòng họ trong bản có nhiều hoạt động giao lưu, nên có khi cái tết kéo dài tới 15 tháng Chạp.

Tiếng khèn gọi Tết về trên bản Mông ảnh 4

Rời Thị trấn Nông trường Mộc Châu, chúng tôi ngược hướng đi sâu vào cửa khẩu Lóng Sập, qua biên giới Việt – Lào tìm đến tỉnh Hủa Phăn. Từ cách xa 1 cây số, những âm thanh rộn rã, nhộn nhịp của phiên chợ xuân đã thu hút bước chân người.

Cũng như bà con người Mông Việt Nam, người Mông trên nước bạn Lào cũng đón tết vào những ngày đầu tháng Chạp.  Song không giống như người Mông ở Mộc Châu vui chơi tại các sân vận động, người dân tộc Mông ở Lào lại tập trung về khu chợ. Phiên chợ đúng vào dịp Tết Mông bởi thế nhộn nhịp người gấp nhiều lần so với những phiên  bình thường.

Ở đây, ngoài những trò chơi truyền thống như ném pao, ném còn, các trò chơi hiện đại như bắn bia, bi –a… cũng thu hút đông đảo các nam thanh niên. Sân vận động trong khu chợ cũng không thể thiếu các trận đấu bóng đá giao lưu. Các món ăn ở chợ cũng phong phú với: đùi gà nướng, thịt nướng, chân gà nướng, Móc Xi Cóc (Đu đủ bào nhỏ, dã với nước cốt chanh và muối, ớt)…

Trong từng tốp thanh niên tập trung trong các lán chợ, uống bia, ăn gà nướng, xôi trắng nếp nương, tôi gặp ông Vàng A Chiện đang ngồi nghỉ chân trong một quán nhỏ. Ông Chiện ra chợ với 3 người con gái, nhưng mỗi người đi những hướng khác nhau.

“Phải để chúng nó đi tìm hiểu thì mới lấy chồng được. Con gái 12 tuổi là lấy chồng rồi. Tết là để con gái với con trai tìm hiểu nhau mà” – Ông Chiện cho biết.

Tiếng khèn gọi Tết về trên bản Mông ảnh 5

Trong tiếng nhạc rộn ràng, từng tốp trai gái đi lại trong chợ để giao lưu, bày tỏ tình yêu đôi lứa. Khoác trên mình những bộ váy áo truyền thống pha chút hiện đại, những cô gái Mông tuổi tầm 13 -14 trang điểm sặc sỡ, che ô thành từng nhóm đi lại quanh chợ, chốc chốc lại có những chàng trai lại gần mời gọi theo cùng.

Tôi hỏi một chàng trai kiên nhẫn “bám “ theo những cô gái từ đầu chợ rằng, ở đây có tục bắt vợ như người Mông nơi khác không, người thanh niên lắc đầu: “có nhưng không bắt đâu, sẽ kiên nhẫn cho đến khi nào con gái đồng ý”.

Có đi mới thấy, dù cái Tết ở miền xuôi đang ngày càng mất đi hương sắc cổ xưa thì ngược lên vùng đồng bào Mông ta vẫn cảm nhận được một cái tết đơn sơ mà ấm cúng với những nét truyền thống bao đời được đồng bào lưu giữ. Một mùa xuân mới đã về, sắc xuân đang ngập tràn khắp mọi nẻo trên vùng biên cương của Tổ quốc. Mùa xuân mỗi năm sẽ càng ấm áp hơn, yên vui hơn với những thành quả mà đồng bào dân tộc Mông đã nỗ lực giành được…

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.