Tin giả - mối nguy hiểm không kém virus corona

[Ngày Nay] - Sản phẩm được tạo ra từ phòng thí nghiệm, sóng 5G lây nhiễm dịch bệnh, hóa chất tẩy rửa bể cá là thuốc đặc trị,...Đây là những thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19, chúng vẫn đang được phát tán tràn lan trên các kênh mạng xã hội mặc cho nỗ lực ngăn chặn từ các chính phủ và tổ chức lớn trên thế giới.
Tin giả đang trở thành mối hiểm họa toàn cầu giữa dịch COVID-19. Ảnh: SCMP
Tin giả đang trở thành mối hiểm họa toàn cầu giữa dịch COVID-19. Ảnh: SCMP

Thế giới đã có gần 7 triệu ca nhiễm COVID-19. Đại dịch cúm đang khiến các quốc gia trên toàn thế giới hoang mang. Nhiều nước đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và thực hiện những chính sách cách ly nghiêm ngặt trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Trong tình hình này, vấn nạn tin giả có cơ hội để manh nha, gây ra những hậu quả nặng nề không kém virus corona.

Phủ sóng khắp thế giới

Trong lúc dịch bệnh đang trong giai đoạn cao điểm bùng phát trên toàn thế giới, không lạ khi tìm thấy nhiều bài viết đưa tin rằng virus corona là sản phẩm được tạo ra bên trong một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán trên các mạng xã hội. Hay gần đây nhất, nhiều thông tin lan truyền một thuyết âm mưu cho rằng nguồn cơn lây nhiễm virus corona là mạng 5G, thế hệ tiếp theo của dịch vụ mạng không dây đang phủ sóng khắp thế giới. 

Những tin tức như trên dù chưa được xác thực là đúng hay sai, nhưng trong thực tế đã gây ra những hậu quả hữu hình. 

Thông tin cho rằng mạng 5G là nguồn cơn phát tán virus corona đã gây ra hoảng loạn ở Anh. Vào ngày 15 tháng 4 vừa qua, hãng đại diện cho 4 nhà cung cấp dịch vụ di động tại Anh Mobile UK đã đưa tin rằng gần 50 cột phát sóng rải rác khắp nước Anh đã bị phóng hỏa. Hầu hết những cột phát sóng này còn không được tích hợp để phân phối mạng 5G. Tình trạng phá hủy những cơ sở vật chất được cho là có liên quan đến dịch vụ mạng không dây này vẫn kéo dài cho tới tận thời điểm hiện tại. Đã có 77 cột phát sóng bị phá hủy, theo nguồn tin của Mobile UK cung cấp cho báo Business Insider.

Tin giả - mối nguy hiểm không kém virus corona ảnh 1
Một cột phát sóng 5G bị thiêu cháy tại thị trấn Huddersfield, Yorkshire, Anh Quốc. Ảnh: AFP

Tình hình này còn trở nên tồi tệ hơn khi nam diễn viên Woody Mitchelson và ca sĩ MIA là một trong số những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đã góp phần lan truyền các tin giả này đến với hàng triệu người theo dõi họ trên toàn cầu. Đến giờ, không có bằng chứng nào hỗ trợ cho thuyết âm mưu nói rằng mạng 5G góp phần tạo ra virus gây ra dịch COVID-19 hay phát tán nó, nhưng thuyết này vẫn sẽ không sớm biến mất.

Ngoài ra, việc đưa ra thông tin một cách mập mờ và thiếu chính xác cũng gây ra những thiệt hại về sức khỏe và sinh mạng con người.

Theo tờ Mirror, một cặp vợ chồng trung niên tại thành phố Phoenix thuộc bang Arizona của Mỹ đã rơi vào tình trạng nguy kịch vì nghe theo những thông tin chưa được kiểm chứng. Hai người này đã uống chất chloroquine phosphate - một thành phần phổ biến trong dung dịch tẩy rửa bể cá, với hy vọng bảo vệ bản thân trước dịch bệnh. Ngay sau khi uống chất hóa học này, cả hai vợ chồng xuất hiện những triệu chứng buồn nôn, khó thở nghiêm trọng và đã ngay lập tức được đưa tới bệnh viện. Trong khi người vợ may mắn sống sót và đang được điều trị tại bệnh viện thì người chồng đã qua đời.

Dựa trên những thông tin mà người vợ thuật lại, hai vợ chồng này đã quyết định sử dụng chất chloroquine phosphate có trong bao đựng hóa chất tẩy rửa bể cá chép trong nhà sau khi đọc một bài đăng trên trang mạng xã hội Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump có nội dung rằng chất này có khả năng ngăn chặn virus corona.

Ngay sau khi sự việc diễn ra, những chuyên gia tại tổ chức phi lợi nhuận về y tế Banner Health đã khuyến nghị người dân không tự ý sử dụng chloroquine phosphate và ‘những loại thuốc và sản phẩm gia dụng không phù hợp” để phòng ngừa virus.

Kẻ thù vô hình

Tin giả tràn lan cùng với đại dịch COVID-19 đang tạo ra sự hỗn loạn trên toàn thế giới. Những nguồn tin sai sự thật đang lợi dụng tâm lý lo lắng của công chúng để làm lợi cho những người đứng đằng sau chúng.

Guy Berger - Giám đốc Phòng Chính sách và Chiến lược trực thuộc Ban Liên lạc và Thông tin của UNESCO, đã chia sẻ những quan ngại của mình trước diễn biến của nạn tin giả trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

“Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các tin tức sai lệch giờ đây đã hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống. Từ nguồn gốc của virus, cho đến những phương thức chữa trị và hóa chất chưa được kiểm chứng. Đáng chú ý hơn là những thông tin này lại được bởi những cơ quan và tổ chức quan trọng như các chính phủ, tập đoàn và ngôi sao nổi tiếng.”

Tin giả - mối nguy hiểm không kém virus corona ảnh 2
Một nhân viên của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF đang hướng dẫn trẻ em trên đảo Vanuatu các biện pháp chống dịch COVID-19. Ảnh: UN News

“Sự hoang mang và sợ hãi là mảnh đất màu mỡ cho tin giả. Nguy hiểm nhất là khi một thông tin sai lầm được công chúng chấp nhận, điều đó sẽ khiến cho những thông tin thực sự bị phủ định hoàn toàn.”

Theo ông Berger, có rất nhiều cá nhân đang làm lợi từ dịch bệnh. “Mục đích để lan truyền tin giả rất đa dạng. Đó có thể là những mục tiêu chiến lược của quốc gia, những bài toán của các doanh nhân, hoặc thậm chí là những chiêu trò đánh bóng tên. Song, tất cả đều hướng tới việc chi phối cảm xúc, ý kiến và sự sợ hãi của công chúng. Trong khi đó, những cá nhân này vẫn tuyên bố rằng mình đang mang tới sự hiểu biết cần thiết cho cộng đồng giữa đại dịch.”

Không phải mọi tin giả đều tới từ những kẻ tư lợi. Ngay cả những người sử dụng mạng bình thường cũng có thể trở thành nguồn phát tán những thông tin nguy hiểm này. Nguyên do là từ việc thiếu những kiến thức chính xác và cần thiết để phòng chống dịch bệnh. 

Tại Iran, hơn 300 người Iran tử vong, 1.000 người phải nhập viện do ngộ độc rượu khi những người này làm theo "hướng dẫn" trên mạng, rằng uống rượu giúp phòng ngừa Covid-19. Ở Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, hàng trăm “bài thuốc” thiếu cơ sở khoa học, thậm chí có hại cho sức khỏe đã được đưa lên mạng, từ việc dùng cây đinh hương tới uống nước tiểu và phân bò. Tháng trước, Bộ Y tế Pháp phải đăng tuyên bố bác bỏ thông tin “cocaine có thể chữa Covid-19”. Từ những lời truyền miệng, cho đến các bài đăng trên mạng, tin giả đang được phát tán tràn lan khắp nơi.

Những nỗ lực ngăn chặn hiểm họa

Vào ngày 17 tháng 3, 7 “gã khổng lồ” mạng xã hội trong đó bao gồm Facebook, Google, LinkedIn, Microsoft, Reddit, Twitter và Youtube đã đồng thời đưa ra thông báo chung, trong đó tất cả cam kết ngăn chặn những thông tin giả mạo được chia sẻ trên các nền tảng của mình.

Động thái trên được cho là một nước đi mạnh bạo của các tập đoàn truyền thông lớn nhằm ngăn chặn sự hoành hành của tin giả sau những chỉ trích cho rằng họ đã quá thờ ơ với vấn đề này.

Theo đó, Facebook, Youtube, Twitter cùng nhiều trang mạng xã hội khác được cho là đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) trong nỗ lực truy cứu nguồn gốc, kiểm chứng và loại bỏ các thông tin giả mạo, đồng thời định hướng người dùng mạng xã hội đến những nguồn thông tin đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, Facebook và Twitter cũng đang triển khai chính sách ngăn chặn những nội dung độc hại tới người dùng. Những chính sách đó bao gồm việc khuyến khích việc không điều trị hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp chống lại COVID-19. Những bài đăng này sẽ được kiểm duyệt về mức độ xác thực bởi các cơ quan và tổ chức y tế, gắn cờ nếu chứa thông tin sai lệch và cảnh báo tới người dùng nếu có ý định chia sẻ.

Hai “ông lớn” mạng xã hội đến từ Trung Quốc là Weibo và WeChat cũng đang tích cực phối hợp với WHO và chính phủ nước này trong nỗ lực chống lại nạn tin giả. Từ cuối tháng 1/2020, mạng xã hội Weibo đã gửi các thông báo hàng ngày đến người dùng về những thông tin giả mạo liên quan đến Covid-19 bị các cơ quan truyền thông nhà nước bác bỏ.

Tại Việt Nam, có tới 67% người dân sử dụng mạng xã hội, việc đặt ra cơ sở pháp lý và tiến hành ngăn chặn tin giả cũng trở nên đặc biệt khó khăn. 

Tính đến ngày 23 tháng 3, theo thống kê đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, clip liên quan đến dịch bệnh COVID-19 được đăng tải trên mạng xã hội. Trong đó, hầu hết thông tin đều chưa qua kiểm chứng.

Trước tình hình trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP vào ngày 3/2, trong đó quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-4, thay thế Nghị định 174.

Theo đó, Điều 101, quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Ngay sau khi Nghị định bắt đầu có hiệu lực, Bộ Công an, cơ quan chức năng đã kịp thời xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính 146 người có hành vi làm trái với Nghị định.

Cuộc chiến chống tin giả vẫn còn đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, chênh lệch về độ chính xác của thông tin trên các mạng xã hội vẫn rất lớn: Trong khi 59% thông tin thiếu xác thực vẫn tồn tại trên Twitter mà không hề có cảnh báo kèm theo, thì con số này đối với Youtube và Facebook là 27% và 29%.

Do đó, trước khi dựa vào những tập đoàn và chính phủ, mỗi người sử dụng mạng xã hội cũng nên học cách tiếp nhận thông tin một cách thông thái hơn, luôn chủ động tìm hiểu và kiểm chứng độ chính xác của thông tin mình đang đọc để tránh rơi vào "cơn bão tin giả".

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.