Không rời nhau nửa bước
Từ ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể, một người phụ nữ dáng người nhỏ thó, vóc dáng chừng 40kg kéo chiếc xe đẩy xuống cầu thang rất nhanh và chuyên nghiệp. Trên xe là một cụ ông gầy gò, nhỏ thó, sức khỏe khá yếu. Đưa xe xuống sân, bà dừng lại chỉnh mũ, khăn... cho ông thật ngay ngắn rồi dạo bước dưới sân khu tập thể.
Suốt 3 năm nay, ngoài những ngày mưa phùn gió buốt, ngày nào bà Thu cũng đưa ông Thường xuống sân khu tập thể để hóng gió, dạo mát, giao tiếp với mọi người xung quanh. Ngày nào cũng thế, người trong nhà ngoài ngõ chẳng ai còn lạ gì hình ảnh bình dị ấy.
Vừa đẩy xe bà Thu vừa nói chuyện với ông rất nhẹ nhàng, tâm tình và an nhiên. Cuộc dạo chơi “picnic” chỉ gói gọn không gian quanh khu tập thể mà lúc nào ông cũng háo hức như đứa trẻ được mẹ cho đi công viên. Hai ông bà đang đi gặp một cậu bé nhỏ, nó tò mò nhìn ông bà rồi mon men đến bên xe ông. Bà vừa nựng đứa trẻ, vừa bảo bé ra bắt tay ông, ê a nói chuyện với ông. Chỉ vậy thôi mà khuôn mặt ông rạng rỡ, nếp nhăn biến mất, chẳng có vẻ đượm buồn như khi ông ngồi trong nhà ngoài nhìn mọi người qua ô cửa sổ. Đi được một đoạn ngắn, bà dừng xe, chậm rãi chỉ cho ông cây muồng hoàng yến đang nở hoa vàng rực khiến khu tập thể sáng bừng một góc trời. Bà còn nhặt những bông hoa rơi, đưa cho ông, để ông ngồi dưới cây muồng hoàng yến say mê ngắm hoa… Những buổi chiều đi dạo ngắn trước bữa cơm tối bao giờ cũng khiến ông Thường thích thú vì hòa đồng với bà con lối xóm, khám phá sự thay đổi của thời cuộc…
Chị Nguyễn Thị Hoa, hàng xóm sống trong khu tập thể: “Nhiều khi chúng tôi bảo bà già rồi, hai ông bà yếu thế cứ để ông ở nhà, không ông bà làm sao ra đấy thì khổ. Bà luôn bảo phải đưa ông ra ngoài để tinh thần vui vẻ, thoải mái, không cảm thấy kém cỏi”...
Người lạ nói bà xua tay, con cháu trong nhà cũng chẳng ai giữ chân được ông bà đưa nhau đi dạo mỗi chiều. Anh Trần Phương, con trai ông Trần Thường chia sẻ, hai ông bà lúc nào cũng ở bên nhau, không cách xa lúc nào. “Mặc dù ông bị liệt 3 năm nay, nhà có giúp việc nhưng việc chăm sóc ông từ ăn uống, tắm giặt, ngủ nghỉ… gần như một tay bà làm hết. Khi bà có việc phải đi đâu một ngày, bà sẽ chuẩn bị chu đáo từ thuốc, thức ăn đến nước uống… cho ông và chúng tôi chỉ việc… làm theo. Anh em chúng tôi thường bảo nhau, trên đời này hiếm có ông bà nào vẫn còn yêu thương nhau như ông bà nhà mình”.
Không chỉ chăm chỉ đưa ông xuống phố, dù đã 70 tuổi, mắt kém, chân tay yếu nhưng bà Thu vẫn ngày ngày đọc báo cho ông nghe. Bà kể: “Ông nhà tôi trước nay rất thích đọc báo. Mấy năm gần đây mắt ông yếu không nhìn rõ nên tôi giúp ông đọc. Ông thường thích mục thời sự trong nước và quốc tế. Ngày nào không được nghe các thông tin thời sự là ông buồn, nên dù có mệt mấy tôi vẫn cố gắng “chiều” sở thích của ông”.
“Tôi thương bà ấy lắm”
Nhìn bà chăm sóc ông tận tình thế, ít ai biết bà là vợ hai của ông, cũng chẳng có mụn con nào với ông.
Tâm sự thật lòng, ông Trần Thường kể, ông sinh ra ở Nam Định trước thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bố mẹ mất sớm, gia đình chỉ có hai anh em trai rất nghèo. Sau đó ông đi theo cách mạng, rồi trở thành giáo viên, làm cán bộ Tổng Công đoàn (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Người vợ đầu của ông đã mất. Vài năm sau, ông và bà Thu mới gặp và nên duyên vợ chồng.
Ông Thường vẫn nhớ như in thời kỳ đó: Tôi hay sang làm việc cơ quan bà ấy, các đồng chí lãnh đạo lúc đó có giới thiệu bà Thu cho tôi. Khi tiếp xúc, tôi thấy bà ấy là người phụ nữ hiền hậu, đảm đang nên yêu mến. Sau vài năm ông cần mẫn theo đuổi thì hai người quyết định về một nhà, góp gạo thổi cơm chung.
Bà Thu đến với ông Thường khi đã gần 40 tuổi, bà bị bệnh nên không thể có con. Ông Thường chẳng nề hà chuyện ấy. Suốt từ ngày ấy đến nay đã 32 năm, trong ngôi nhà nhỏ, hai ông bà chưa từng to tiếng cãi nhau. Bà bảo: Ông ấy là người chu đáo, thẳng thắn, thông minh, hiểu biết và đối xử tình người. Đối với vợ và con cháu, ông lúc nào cũng mẫu mực, chăm sóc, quan tâm tất cả mọi người. Bà Thu yêu và phục ông vì điều đó.
Ông Thường từng tham gia kháng chiến chống Pháp, bà Thu thì tham gia kháng chiến chống Mỹ. Cả hai đều nhận huy chương kháng chiến Nhà nước trao tặng. Bà nói rằng, thứ tình cảm của ông bà ngoài tình yêu, tình nghĩa còn là tình cảm của những người đồng chí với nhau. Đó là tình cảm của những người đã từng trải qua những giai đoạn chiến đấu ác liệt của bom đạn, nhận ra được những giá trị quan trọng trong cuộc sống, giữa con người với con người để trân trọng, yêu thương nhau.
Bài thơ ông Thường sáng tác tặng bà Thu |
Dù đã sống với nhau hàng chục năm nhưng khi nói về chuyện tình của ông bà, bà Thu vẫn kể với nét rạng ngời hạnh phúc. “Ông ấy thương tôi lắm. Khi ông bị ngã, liệt người nằm đó, ông khóc và bảo “tôi thương bà lắm. Tôi làm khổ bà rồi”. Nhưng tôi bảo với ông là tôi không sao. Tôi lo được cho ông. Nếu tôi yếu thì thuê thêm giúp việc. Tôi sẽ chăm sóc ông tận tụy đến khi ông về với các cụ”.
Rồi bà nói tiếp: “Ông ấy chẳng xa tôi được đâu. Tôi mà đi đâu vài tiếng là ông hỏi giúp việc ngay. Chỉ cần nếm món ăn là ông biết ai nấu. Con cái hay giúp việc nấu, ông ăn không nhiều và không ngon như khi có tôi. Từ khi ông bị ngã tới giờ, tôi không dám đi đâu quá 2 ngày vì lo lắng không biết mọi người chăm sóc ông thế nào”. Ông không có răng nên không thể ăn cơm, ông không thích ăn cháo nên chủ yếu ăn bánh đa, bánh mỳ… Bà lúc nào cũng chiều ông tất cả. Bà luôn chọn những món có nhiều chất bổ dưỡng để ông có thể ăn được và tăng cường sức khỏe. Ngày ông chưa bị liệt, con cháu ông kể, chỉ có hai ông bà chăm sóc lẫn nhau, đi đâu ông bà cũng đi cùng nhau.
Giờ, khi ông ngồi ghế lăn, bà ngồi bên cạnh vẫn nhìn nhau âu yếm. Ông Thường nắm tay bà khẳng định: “Bà tôi không chê được. Trên đời chỉ có bà tôi thôi. Tình cảm của tôi với bà ấy ngày càng gắn bó. Bà giúp đỡ tôi, chăm sóc tôi rất nhiều. Các con tôn trọng bà, quý trọng, chúng không coi bà là mẹ kế đâu”.
Sự chăm sóc tận tụy, tình cảm của bà đối với ông không chỉ được con cháu trong nhà trân trọng mà năm 2017 vừa rồi, bà Thu được UBND phường Đội Cấn chọn là 1 trong 10 người được trao giấy khen Gia đình tiêu biểu chăm sóc tốt Người cao tuổi.
Ông Thường từng tham gia kháng chiến chống Pháp, bà Thu thì tham gia kháng chiến chống Mỹ. Cả hai đều nhận huy chương kháng chiến Nhà nước trao tặng. Bà nói rằng, thứ tình cảm của ông bà ngoài tình yêu, tình nghĩa còn là tình cảm của những người đồng chí với nhau. Đó là tình cảm của những người đã từng trải qua những giai đoạn chiến đấu ác liệt của bom đạn, nhận ra được những giá trị quan trọng trong cuộc sống, giữa con người với con người để trân trọng, yêu thương nhau.