Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nặng lòng với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, đảm bảo mọi nhóm dân tộc và cộng đồng tôn giáo đều được tôn trọng và hưởng lợi từ sự phát triển chung của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đánh cồng với đồng bào dân tộc Mường trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư xóm Cầu, xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình (13/11/2011). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đánh cồng với đồng bào dân tộc Mường trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư xóm Cầu, xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình (13/11/2011). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn nhấn mạnh vai trò then chốt của việc phát triển các dân tộc thiểu số và bảo vệ tự do tôn giáo như những yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Triệu Quang Minh (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực I) về chủ đề này, để thấy được tầm vóc cũng như tấm lòng của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Tổng Bí thư khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và luôn thúc đẩy việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, đảm bảo mọi nhóm dân tộc và cộng đồng tôn giáo đều được tôn trọng và hưởng lợi từ sự phát triển chung của đất nước.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số với sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng văn hóa là cốt lõi của sự tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc, việc bảo tồn di sản văn hóa không chỉ giúp duy trì bản sắc dân tộc mà còn góp phần nâng cao lòng tự hào và sự đoàn kết trong cộng đồng.

Các chương trình bảo tồn di sản văn hóa được triển khai thường xuyên, từ việc bảo tồn các lễ hội truyền thống, các nghi lễ tôn giáo đến việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm tạo điệu kiện cho việc xây dựng các hồ sơ di sản văn hóa, nhiều di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được UNESCO ghi danh. Các di sản văn hóa tiêu biểu như Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Thực hành Then Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái; Nghề làm Gốm của người Chăm... đã góp phần giới thiệu và quảng bá các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số đến đông đảo công chúng.

Bên cạnh việc bảo tồn văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn chú trọng đến việc phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại. Tổng Bí thư luôn cổ vũ khuyến khích các nghệ nhân dân gian, các nhà nghiên cứu văn hóa tiếp tục sáng tạo, phát triển các hình thức nghệ thuật mới dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số được đưa vào các chương trình giáo dục, các sự kiện văn hóa lớn của quốc gia, nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của cộng đồng về các giá trị văn hóa đa dạng của đất nước.

Định hướng về công tác đẩy mạnh phát triển các dân tộc thiểu số

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều định hướng quan trọng về phát triển kinh tế xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số. Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng, phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống. Các chương trình phát triển kinh tế bền vững, như phát triển nông nghiệp sạch, du lịch cộng đồng, và các mô hình kinh tế xanh, được triển khai mạnh mẽ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nặng lòng với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia điệu múa truyền thống cùng đồng bào dân tộc tại thôn Kon Rơ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum (2017). Ảnh: Trí Dũng – TTXVN.

Trên các cương vị công tác Tổng Bí thư luôn tạo điều kiện để đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao để các vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ. Tổng Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng, cùng với sự phát triển chung của cả nước.

Tổng Bí thư cũng gợi ý rằng việc tuyên dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nên được tổ chức thường xuyên, với các hình thức phong phú, nhằm tạo ý nghĩa xã hội và sức lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Tổng Bí thư cho rằng các cấp ủy, chính quyền, và đồng bào cả nước, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục quán triệt và vận dụng tư tưởng của Bác Hồ về tinh thần đại đoàn kết.

Các dân tộc Việt Nam cần xác định mình là anh em một nhà, luôn đoàn kết, chia sẻ ngọt bùi, cùng nhau xây dựng quê hương và đất nước phát triển. Lịch sử đã chứng minh rằng dân tộc Việt Nam chiến thắng được kẻ thù xâm lược hùng mạnh và vượt qua những khó khăn, thử thách to lớn nhờ vào sức mạnh đoàn kết. Đây là sự đoàn kết trong mỗi dân tộc, giữa các dân tộc, và giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Trong các chuyến công tác đến các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở các tỉnh cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cũng như chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lãnh đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với nhân lực ở nông thôn, miền núi, và những vùng đang triển khai nhiều dự án đầu tư mới.

Tổng Bí thư yêu cầu các tỉnh thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, các vấn đề an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Mục tiêu là để đời sống của các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, và đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Tổng Bí thư với cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, dù ở bất kỳ cương vị nào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhận thức rõ vai trò quan trọng của họ trong việc kết nối và phát triển đất nước. Tổng Bí thư luôn chỉ đạo Đảng, Nhà nước xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư từ kiều bào và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác trong giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ.

Thông qua các chuyến thăm và động viên, Tổng Bí thư không chỉ gắn bó chặt chẽ với cộng đồng người Việt hải ngoại mà còn tạo điều kiện để họ góp ý và tham gia vào các quyết định quan trọng. Với những di sản mà Tổng Bí thư để lại, nhất định trong tương lai nước ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, góp phần xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nặng lòng với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc ảnh 2

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng kiều bào tham dự Chương trình Xuân Quê hương năm 2019 thực hiện nghi thức thả cá chép theo phong tục truyền thống tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Sự quan tâm và tình cảm của Tổng Bí thư đối với kiều bào cũng được đáp lại bằng tình cảm sâu sắc từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Việc Tổng Bí thư qua đời đã để lại nỗi buồn sâu sắc trong lòng kiều bào trên khắp thế giới, thể hiện sự trân trọng và lòng kính trọng mà họ dành cho lãnh đạo này. Hy vọng với những tình cảm tốt đẹp đó, trong tương lai cộng đồng người Việt trên khắp thế giới sẽ tiếp tục có thêm những đóng góp với sự phát triển bền vững của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc tôn trọng và bảo vệ tự do tôn giáo

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao việc tôn trọng và bảo vệ tự do tôn giáo tại Việt Nam, tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của mỗi người dân, cần được đảm bảo và tôn trọng. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, nhiều chính sách đã được thực hiện nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tổng Bí thư đã chỉ đạo các cấp chính quyền đảm bảo rằng mọi người dân, bất kể tôn giáo nào, đều được thực hành và bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình một cách tự do và không bị phân biệt đối xử. Các chính sách này không chỉ nhằm đảm bảo quyền tự do tôn giáo mà còn khuyến khích việc tôn trọng và bảo vệ các giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Với vai trò là nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thúc đẩy sự hợp tác và đối thoại giữa các tôn giáo, nhằm xây dựng một xã hội đoàn kết và hòa hợp. Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh rằng sự tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo và giữa các cộng đồng tín ngưỡng khác nhau là nền tảng quan trọng để xây dựng một xã hội văn minh và phát triển bền vững.

Với tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm sâu sắc, trong suốt sự nghiệp hoạt động chính trị của mình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đóng góp to lớn đối với sự phát triển bền vững của các dân tộc thiểu số, cộng đồng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và tôn giáo. Những chính sách và di sản do Tổng Bí thư để lại sẽ không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập và biến đổi, với những chính sách mang tầm nhìn xa và sự đồng lòng của toàn dân tin tưởng rằng nước ta sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trong công cuộc xây dựng một đất nước phồn thịnh và hạnh phúc cho đất nước Việt Nam.

Theo TTXVN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).