Theo Công văn số 5843/UBND-DA ngày 30/9/2024 của UBND TP.HCM về báo cáo phương án giải quyết vướng mắc trong thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) gửi đến Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khóa XV đã tóm tắt các khó khăn vướng mắc của dự án đến thời điểm hiện nay.
Theo đó, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) tồn tại 3 vướng mắc cần phải giải quyết.
Không có nguồn vốn để hoàn thành công trình
Vướng mắc trong việc huy động nguồn vốn thi công hoàn thành công trình xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký Phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 để trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.
Như vậy, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành thu nợ tái cấp vốn đối với Ngân hàng BIDV khoảng 3.560 tỷ đồng nên trong trường hợp dù được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gia hạn thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn, Ngân hàng BIDV vẫn không thể tiếp tục giải ngân cho Nhà đầu tư do dự án chưa được thanh toán.
Tại Tờ trình số 321/TTr-UBND ngày 03/6/2024, UBND TP.HCM kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ thống nhất phương án và xem xét trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để chấp thuận cho Thành phố thực hiện phương án ủy thác từ ngân sách nhà nước của Thành phố cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố để (Công ty HFIC) cho Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án vay thực hiện hoàn thành công trình.
Tuy nhiên, tại buổi họp Tổ Công tác ngày 08/8/2024, đại diện Bộ Tài chính có ý kiến phương án kiến nghị của Thành phố là chưa phù hợp do Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 không có quy định về việc sử dụng vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho quỹ đầu tư phát triển địa phương (trong trường hợp này là Công ty HFIC) để quỹ này cho nhà đầu tư vay thực hiện dự án;
Đồng thời, tại Mục 2 Thông báo số 370/TB-VPCP ngày 09/8/2024 của Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác Chính phủ thống nhất không có căn cứ pháp lý để tiếp tục ban hành một Nghị quyết mới của Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay của dự án như đề nghị của UBND TP.HCM.
Do đó, hiện nay chưa có cơ sở để huy động nguồn vốn ủy thác để Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án thi công hoàn thành công trình.
Chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án…
Công văn cũng nêu rõ, tại Điều 7 của Luật Đầu tư công quy định: “Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau đây: 1. Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên…”. Tại điểm b Khoản 1 Điều 17 Luật Đầu tư công quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án quan trọng quốc gia là Quốc hội. Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định “Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP…sử dụng vốn đầu tư công tư 10.000 tỷ đồng trở lên”.
Hiện nay, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không có quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Tuy nhiên, điểm b, điểm c Khoản 3 Điều 104 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định việc xử lý chuyển tiếp đối với dự án đang trong quá trình thực hiện, phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia như sau: “3. Đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư công, Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.
Minh họa hệ thống đê bao với các cống lớn và đê biển. |
Trong trường hợp này, dự án trong quá trình thực hiện có phát sinh dẫn đến tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn sử dụng được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi dự án hoàn thành, không phải để thực hiện dự án trong giai đoạn đầu tư xây dựng bao gồm: vốn ngân sách nhà nước bằng tiền là dưới 10.000 tỷ đồng và phần vốn còn lại là thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Như vậy, dự án BT này chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Chưa có cơ sở thanh toán Hợp đồng BT
Dự án thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại Điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; khoản 7 Điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và Điều 91 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Các văn bản trên quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với dự án là “việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết Hợp đồng”.
Việc sửa đổi hợp đồng “thực hiện theo quy định của hợp đồng đã ký kết; trường hợp hợp đồng không quy định rõ các nội dung liên quan đến việc sửa đổi thì áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng”.
Ngoài ra, khoản 7 Điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội và khoản 1 Điều 17 Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ chỉ quy định thanh toán chuyển tiếp cho các hợp đồng BT được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Ngoài các quy định nêu trên, pháp luật hiện hành không có thêm quy định nào khác về việc thực hiện, điều chỉnh hợp đồng BT đã ký kết trước đây. Việc này dẫn đến việc điều chỉnh dự án gặp các vướng mắc về pháp lý.
Cụ thể, Hợp đồng ký kết không đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, nay khắc phục bằng cách ký kết đúng quy định thì hợp đồng BT có được thanh toán hay không? Chưa xác định được cơ quan có thẩm quyền nào sẽ xác định hợp đồng đã ký đúng quy định và việc xác định hợp đồng ký kết đúng quy định dựa trên các tiêu chí nào? Việc điều chỉnh dự án, hợp đồng áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật nào?
Dự án áp dụng nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; nếu theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại thời điểm ký kết Hợp đồng như Luật PPP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ thì sẽ phải áp dụng nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực pháp luật.
Nếu theo nguyên tắc hành vi thời điểm nào áp dụng pháp luật tại thời điểm đó tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phù hợp với Điều 101 Luật PPP; trường hợp kết hợp cả Luật PPP và pháp luật hiện hành thì sẽ áp dụng cả văn bản đã hết hiệu lực và văn bản hiện hành.
Với các vướng mắc nêu trên, Tổ công tác dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (gọi tắt là: “Tổ công tác 1970” theo Quyết định số 1970/QĐ-UBND ngày 18/5/2023 của UBND Thành phố) nhận thấy cần báo cáo Tổ Công tác Chính phủ xem xét có ý kiến về điều chỉnh Hợp đồng BT liên quan đến phương án thanh toán (ký lại Phụ lục Hợp đồng) để đảm bảo cơ sở pháp lý trước khi thực hiện.
Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng – Kỳ 3: “Giải cứu” dự án như thế nào?