Tổng giám đốc FastGo Nguyễn Hữu Tuất: Chúng tôi không tham gia cuộc đua 'đốt tiền'

Tổng giám đốc FastGo Nguyễn Hữu Tuất: Chúng tôi không tham gia cuộc đua 'đốt tiền'

Ra mắt tháng 6/2018, FastGo – một ứng dụng gọi xe thuần Việt đang có được những bước tiến khá vững chắc. FastGo đang trở thành 1 đối thủ không hề dễ chịu với các ông lớn trên thị trường gọi xe công nghệ đến từ nước ngoài.
_____________

Người đứng mũi, chịu sào ở doanh nghiệp này là Nguyễn Hữu Tuất - một doanh nhân thuộc thế hệ 8X.

Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với doanh nhân này về chiến lược trụ vững và phát triển hậu Covid -19.

PV: Thị trường taxi công nghệ - gọi xe thông minh tại Việt Nam là “miếng bánh” có vẻ ngon nhưng không hề dễ “ăn”. Tôi nhớ không nhầm thì có doanh nghiệp nước ngoài với nguồn lực lớn mạnh cũng phải bỏ của chạy lấy người. Nhiều doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp với lĩnh vực này cũng bị loại khỏi cuộc chơi một cách chóng vánh. Và đợt dịch Covid -19 vừa qua thực sự là cú shock quá lớn, nó đã làm rất nhiều doanh nghiệp vận tải sống dở, chết dở. FastGo của các anh đã sống sót và trở lại như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Nếu chỉ làm đơn thuần một ngành nghề, có lẽ chúng tôi đã phá sản, nhiều doanh nghiệp khác cũng vậy. Anh cứ hình dung như thế này, từ sau Tết, khi dịch Covid -19 xuất hiện tại Việt Nam, doanh số của chúng tôi nhiều tháng đã về 0. Tuy nhiên, do FastGo nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Nexttech nên chúng tôi vẫn trụ vững được. Thời điểm FastGo không có việc, toàn bộ nhân sự được dồn chuyển sang bộ phận khác một cách linh động. Vì vậy nên không ai bị mất việc, không ai bị giảm thu nhập, đây là điều rất đáng mừng cho chúng tôi cũng như người lao động.

Tổng giám đốc FastGo Nguyễn Hữu Tuất: Chúng tôi không tham gia cuộc đua 'đốt tiền' ảnh 1

Trong lúc bị ảnh hưởng bởi Covid, doanh số, giao dịch giảm, thay vì ngồi than vãn, sốt ruột chờ đợi thì chúng tôi tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới. Ví dụ ra mắt sản phẩm Luxury Car, sản phẩm dành cho những doanh nhân, những người có địa vị… Hoặc như dịch vụ đưa đón khách ra sân bay. Hiện tại chúng tôi đã triển khai được ở 10 sân bay. Gói sản phẩm này được thị trường phản hồi rất tốt. Nó rất rẻ, tiện lợi.

PV: Trước đây, có 1 đợt nhiều tài xế của FastGo đã có những phản ứng gây ồn ào trên truyền thông, họ nói FastGo lừa tài xế mua xe, họ không hài lòng với chính sách của doanh nghiệp nên đã biểu tình. Chuyện này đã xảy ra với doanh nghiệp của anh bao nhiêu lần?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: (Cười) Đó là những tài xế không chịu làm việc. Cái này chúng tôi giải quyết xong ngay rồi, chỉ có một vài người như vậy. Rất nhiều tài xế đang hợp tác với chúng tôi, hiện họ rất vui vẻ, thoải mái, có thể nói hài lòng với chính sách của FastGo. Anh có thể tự chọn đi một vài tài xế, hỏi họ thì rõ nhất. Tôi có thể tự tin khẳng định rằng, chính sách của chúng tôi hiện tốt, ưu việt cho tài xế. Khi tài xế thoải mái, họ cũng sẽ làm việc chăm chỉ và phục vụ khách hàng một cách tận tình, lịch sự.

Tổng giám đốc FastGo Nguyễn Hữu Tuất: Chúng tôi không tham gia cuộc đua 'đốt tiền' ảnh 2

PV: Anh đã từng phát biểu, tham gia thị trường gọi xe công nghệ là 1 cuộc thi “đốt” tiền. Bất kỳ doanh nghiệp nào đã nhảy vào lĩnh vực này đều phải “đốt” tiền từng ngày, thậm chí từng giờ. Vậy tính đến nay, FastGo đã “đốt” bao nhiêu?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Vận tải hành khách kiểu gọi xe công nghệ này, là ngành mà người ta gọi đó là “đốt tiền” để tạo ra thị trường. Hiện ở Việt Nam có rất nhiều các doanh nghiệp cả nước ngoài, cả trong nước tham gia. Chính vì nó không phải độc quyền, không phải 1 mình anh 1 sân nên anh buộc phải chi rất nhiều tiền để giữ được khách hàng.

Khách hàng họ có thể cài trong máy 5,7 app gọi xe trong điện thoại, cứ có khuyến mại tốt, rẻ thì họ đi, bên app này rẻ hơn bên kia 1000đ họ cũng sẽ chọn. Vì vậy các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau phải lao vào cuộc đua giảm giá, khuyến mại liên tục để giữ thị phần hoặc tạo ra thị phần. Nói “đốt” tiền thì chính là xuất phát từ lý do này.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những doanh nghiệp chuyên làm về ứng dụng gọi xe, vận chuyển hành khách đơn thuần. Với FastGo, chúng tôi nằm trong Tập đoàn NextTech, chỉ là 1 miếng ghép trong hệ sinh thái, phục vụ hệ sinh thái nên có hướng đi riêng. Tất nhiên làm cái này, FastGo có lỗ, nhưng tổng chi phí lỗ của FastGo so với các doanh nghiệp khác thấp hơn rất nhiều. Từ cuối năm 2019, chúng tôi đã cơ cấu lại, thay đổi chiến lược, đến nay thì chúng tôi đã có lãi trên từng cuốc xe.

Hiện tại chúng tôi đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước, FastGo cung cấp nền tảng công nghệ cho họ, để họ quản lý, vận hành, thay vì họ phải đi thuê các giải pháp công nghệ bên ngoài thì hiện tại chúng tôi đang free (miễn phí) cho họ.

Tổng giám đốc FastGo Nguyễn Hữu Tuất: Chúng tôi không tham gia cuộc đua 'đốt tiền' ảnh 3

Đừng nghĩ chúng tôi làm điều này để có được data khách hàng của họ. Mục tiêu của chúng tôi lớn hơn, đó là muốn hỗ trợ để các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi công nghệ, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh sôi động hơn, có sự tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

Nói tóm lại, FastGo là mảng ghép chiến lược và chúng tôi định hướng, quy hoạch để nó phát triển trong dài hạn, chính vì vậy việc giành giật thị phần, chạy đua để “đốt” tiền không phải mục tiêu, không phải cách làm của chúng tôi.

PV: Tham vọng của FastGo là phát triển và chiếm tới 40% thị phần của thị trường gọi xe thông minh. Tính tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp của anh đã đạt được bao nhiêu % mục tiêu?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam rất tiềm năng, có thể đạt giá trị lên tới hàng tỷ USD và vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đó là lý do để FastGo chính thức gia nhập thị trường. Tôi tin rằng, với một lộ trình phát triển rõ ràng, nền tảng công nghệ ưu việt cùng sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và người dùng Việt Nam, FastGo sẽ phát triển bền vững, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đem lại nhiều lợi ích cho người Việt, cũng như đóng góp cho sự phát triển xã hội của Việt Nam.

Về con số thống kê thì rất khó để nói chính xác, hiện tại không có con số thống kê của các hãng. Chúng tôi tập trung duy nhất vào mảng ô tô, còn các doanh nghiệp khác cũng là gọi xe nhưng họ có cả ô tô cả xe máy, ví dụ như Grab, hoặc có những đơn vị chỉ có xe máy, như Go Việt chẳng hạn. Nhưng nếu nói về độ phủ, thì chúng tôi đang có được độ phủ tốt nhất ở các tỉnh thành. Gần như mọi thành phố lớn có sân bay thì có FastGo.

Tổng giám đốc FastGo Nguyễn Hữu Tuất: Chúng tôi không tham gia cuộc đua 'đốt tiền' ảnh 4

Hiện nay, mục tiêu của chúng tôi đã có thay đổi, đó là chúng tôi hướng đến cung cấp ra thị trường 1 dịch vụ đi lại bằng ô tô theo kiểu cao cấp chứ không phải bình dân, giá rẻ, xe rẻ nữa. Chúng tôi tập trung nhiều vào mảng khách hàng có tiền, đòi hỏi xe tốt, tài xế tốt, đi an toàn, thoải mái.

PV: Trong cuộc đua sống còn với doanh nghiệp nước ngoài, anh có cho rằng, doanh nghiệp gọi xe thuần Việt như FastGo, Go Việt, Bee… có đôi chút lợi thế, đó là, hiểu được tập quán, văn hóa và thói quen của người Việt? Đặc biệt, nếu khơi dậy được lòng tự hào của người Việt với sản phẩm thuần Việt, thì chúng ta sẽ thắng.

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Thực ra ở cuộc chơi này, không thể mơ mộng theo kiểu hô hào những khẩu hiệu chung chung, chúng tôi rất thực tế và hiểu rằng, nếu không có sản phẩm phù hợp, không có dịch vụ tốt thì chẳng có khách hàng nào ủng hộ anh. Doanh nghiệp sẽ chết nếu cứ ngồi đấy chờ đợi sự ủng hộ “hàng Việt”.

Hiện nay, khách hàng của FastGo có thể nói là những người có thu nhập tốt, có địa vị tốt, họ sẽ có đánh giá chính xác dịch vụ của doanh nghiệp ngay, chỉ sau 1 lần trải nghiệm. Nên nếu không có thực chất thì họ bỏ mình ngay. Vì vậy chúng tôi phải luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày, từng giờ để hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, để đổi mới hoặc ra mắt những sản phẩm mới. Bên cạnh đó, cũng phải luôn hoàn thiện, nâng cao những chính sách với đối tác – những tài xế để họ yên tâm khi làm ăn với mình.

FastGo tự hào là từ khi thành lập đến nay, số lượng tài xế không ngừng tăng lên, nhưng tài xế của chúng tôi chưa từng cãi nhau tay đôi với khách, đánh nhau với khách, hoặc có “phốt” gì trên truyền thông. Cái này anh chỉ cần vào google tìm, nếu có sẽ thấy ngay. FastGo không có những thông tin tiêu cực như vậy. Những hãng khác thì đã có rồi, thậm chí là nhiều. 

Tổng giám đốc FastGo Nguyễn Hữu Tuất: Chúng tôi không tham gia cuộc đua 'đốt tiền' ảnh 5

PV: FastGo đã mở rộng sang cả thị trường Myanmar? Đến thời điểm này, việc mở rộng sang Myanmar, Fastgo đã đạt được những kết quả nào đáng chú ý? Anh có hy vọng nhiều ở thị trường này không?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Tại thị trường này chúng tôi phát triển khá tốt. Ở Myanmar đang là cuộc chơi riêng của Grab và FastGo. Hiện hình ảnh của chúng tôi ở đây đang xuất hiện rất tích cực, không chỉ kinh doanh, chúng tôi còn tham gia nhiều vào các hoạt động hỗ trợ xã hội và từ thiện.

PV: Anh là một người trẻ khởi nghiệp, còn khá trẻ nhưng hình như tóc anh đã bạc hết. Có vẻ chặng đường khởi nghiệp với anh rất vất vả?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Đúng là nếu khởi nghiệp theo kiểu đơn thương độc mã thì rất vất vả, cực kỳ vất vả. Anh có thể bị thị trường bóp nghẹt trong 1 nốt nhạc. Chính vì vậy để giữ cho doanh nghiệp sống sót rồi phát triển là 1 công việc rất căng thẳng, khó khăn.

Thực tế thì từ năm 2001, khi còn là sinh viên tôi đã bắt đầu khởi nghiệp, khi đó internet vẫn còn sơ khai, thanh toán điện tử gần như chưa có gì cả. Thời điểm đó tôi và anh em, bạn bè đã làm nhiều thứ, có thành công, có thất bại. Rất mừng là hiện nay chúng tôi có 1 thành quả rất đáng tự hào, đó là sự ổn định và phát triển của FastGo và lớn hơn nữa là của Tập đoàn Nexttech với hơn 1000 nhân viên. Nexttech hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là thương mại điện tử, thanh toán và hậu cần vận tải.

Tổng giám đốc FastGo Nguyễn Hữu Tuất: Chúng tôi không tham gia cuộc đua 'đốt tiền' ảnh 6

Hiện chúng tôi có thể quay trở lại giúp đỡ, hỗ trợ cho nhiều dự án startup. Chính vì vậy cảm giác hồi hộp, lo lắng khi làm một dự án mới nào đó với chúng tôi là không còn. Tất cả bây giờ là phải luôn luôn nghĩ rằng phải đối mới, phải sáng tạo và liên tục cho ra mắt những sản phẩm mới, ý tưởng mới.

Về việc bạc tóc, là do cơ địa thôi. (cười)

PV: Xin cám ơn anh và buổi trò chuyện ngày hôm nay!

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).