Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, kể từ ngày 31/5, Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau và hiện đang áp dụng Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường, siết chặt hơn. Thế nhưng, tình hình dịch trên địa bàn vẫn chưa dừng lại và còn đang diễn biến rất phức tạp.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, ông Phan Văn Mãi cho rằng, bên cạnh yếu tố khách quan do chủng virus Delta diễn biến nhanh, khó lường thì còn nhiều địa bàn chưa thực hiện nghiêm việc giãn cách từ cả 2 phía, lực lượng chống dịch và người dân thành phố.
Một số nơi vẫn còn tình trạng người dân giao lưu với nhau và ra đường khi không thật sự cần thiết. Đây là vấn đề cưc kỳ nguy hiểm, nếu không làm nghiêm thì tình hình dịch sẽ xấu hơn. Do vậy, cả lực lượng chức năng và người dân thành phố cần đồng lòng, thực hiện nghiêm túc hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch.
Lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, trước đây sau một tuần thực hiện Chỉ thị 16, thành phố có đặt ra 3 kịch bản phòng chống dịch. Dù đã rất cố gắng, nhưng vẫn bỏ lỡ, không đạt được mục tiêu kịch bản thứ nhất và hiện đang phải thực hiện kịch bản thứ 2 với việc áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường hơn.
Do đó, lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là bà con thành phố cần nhìn nhận đúng mức độ phức tạp của dịch bệnh lần này, triệt để thực hiện việc giãn cách cách ly ở nhà, tuyệt đối không ra ngoài đường khi không cần thiết. Thành phố sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát để đảm bảo thực hiện nghiêm việc giãn cách tại các khu dân cư, hạn chế tối thiểu việc ra đường và không tiếp xúc với bên ngoài của người dân.
“Chậm nhất là ngày mai (26/7), UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ được di chuyển ngoài đường và có thể sẽ có giới hạn ở khung giờ nhất định nào đó. Chẳng hạn, sau 18 giờ thì những hoạt động nào không được thực hiện. Đây là những biện pháp mà thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai thời gian tới và mong các cấp, các ngành, bà con cùng chia sẻ, chấp hành nghiêm túc để giảm số ca dương tính vẫn đang tăng cao”, ông Phan Văn Mãi cho biết.
Thời gian này, khi mọi di chuyển bị giới hạn, các nhu cầu thiết yếu của người dân gần như sẽ được đáp ứng tại nhà. Thành phố sẽ tăng cường việc cung ứng hàng hóa, hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, sẽ xử lý tốt hơn các tình huống y tế khẩn cấp mà người dân yêu cầu. Thành phố cũng đã có sự thảo luận, phân công, tăng cường nhân lực để đáp ứng các nhu cầu cần thiết của người dân.
Đối với hoạt động của các shipper (người giao hàng) vốn là đối tượng di chuyển nhiều nhất hiện nay, cũng sẽ được siết chặt hơn. Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động vận chuyển, giao hàng chỉ được hoạt động nếu vận chuyển mặt hàng thiết yếu.
Shipper được quyền từ chối hàng hóa không phải thiết yếu. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, nếu không phải shipper và không chở mặt hàng thiết yếu thì có thể xử lý. Lực lượng chức năng cũng sẽ tăng quản lý, tuần tra người ra đường không lý do. Đồng thời, sẽ có biện pháp xử lý các trường hợp mua bán trang phục, giả làm Shipper để ra đường.
Về thời gian áp dụng Chỉ thị 16, ông Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến kéo dài tới 1/8. Tuy nhiên, có thể có độ trễ và phải thực hiện trong 2 tuần để đảm bảo các biện pháp thực hiện có hiệu quả, ngăn chặn được sự lây lan và phát tán dịch bệnh. Tuy vậy, thành phố cũng phải tính tới tình huống xấu hơn để chuẩn bị khởi động kịch bản 3. Việc này không chỉ các cơ quan chức năng mà ngay cả người dân phải có ý thức và tâm thế chuẩn bị.