Khi tôi bắt đầu làm những phóng sự, chương trình phản biện, chính luận, điều tra… cũng có nhiều người thân, bạn bè nói “Nghề này nguy hiểm, nhớ cẩn thận”.
Khi đó, mạng xã hội chưa phát triển. Người làm báo sử dụng báo chí làm phương tiện đăng tải thông tin, chống tiêu cực, phản ánh thực trạng xã hội. Nhưng nếu sự tiêu cực, thậm chí là bạo lực xảy đến với chính họ, thì không phải lúc nào cũng có thể sử dụng báo chí để tự bảo vệ mình. Báo chí không phải là công cụ của một cá nhân nào.
Khi đó, tức là khoảng trên dưới hai thập kỷ trước, thỉnh thoảng lại có những vụ việc nhà báo bị hành hung. Nhiều hơn bây giờ nhiều. Thậm chí kẻ hành hung là những công chức, cán bộ Nhà nước, những người trong lực lượng vũ trang... Những loạt phóng sự điều tra dài kỳ là đặc sản của các báo. Trăm hoa đua nở, Tuổi Trẻ Tp.HCM, Thanh Niên, Lao Động, Công an Tp.HCM, An ninh Thủ Đô, Tiền Phong… đều có những nhà báo thành danh với các phóng sự điều tra lăn lộn, đầy hấp dẫn bởi các chi tiết đắt giá.
Tuy nhiên với truyền hình thì việc làm điều tra còn khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều. Bởi vì 1 ekip truyền hình thường phải có vài người, với thiết bị tương đối cồng kềnh. Việc đeo bám, ghi hình ghi âm nhiều khi là lén, và đối mặt với những nguy cơ bị phản ứng rất xấu nếu lộ.
Một chiếc camera Betacam đầu những năm 2000 có giá cả tỉ bạc, nếu bị hư hại, thì cả ekip méo mặt. Cho nên trong nhiều tình huống, người làm phóng sự điều tra truyền hình thà lấy thân mình ra chịu đòn, để bảo đảm an toàn cho thiết bị.
Thế có phải là dũng cảm không?
Một đàn anh trong nghề truyền hình, từng lăn lộn rất nhiều tình huống cam go bởi thiên nhiên và con người, đúc kết với tôi rằng. Làm nghề truyền hình nói riêng, và nghề báo nói chung, thì cái dũng cảm lớn nhất luôn phải gắn với trách nhiệm. Trách nhiệm đảm bảo an toàn cho cả ekip làm cùng, trách nhiệm đảm bảo an toàn cho cả đội ngũ đồng nghiệp cùng cơ quan với mình, trách nhiệm mang về sản phẩm tốt nhất cho công chúng (anh không thể nào để mình bị tai nạn nhập viện, rồi thay 1 bài báo bằng 1 tờ bệnh án được), và tất nhiên còn trách nhiệm với chính mình và người thân. Đảm bảo trách nhiệm ấy, mới là dũng cảm thực sự. Còn nếu chỉ lao vào mà bất chấp, thì đó chỉ là liều lĩnh.
Tôi từng xem một phóng sự điều tra trên sóng VTV1 về tình hình cát tặc trên sông Hồng. Những phóng viên âm thầm theo dõi hoạt động của cát tặc, lời bình cho biết chúng rất manh động, có vũ khí sẵn sàng tấn công những ai cản trở. Thế nhưng xem được nửa phóng sự, tôi giật nảy mình khi thấy phóng viên rọi đèn thẳng vào xà lan của nhóm cát tặc và… dẫn hiện trường. Trời đất, như vậy khác nào biến mình thành đích ngắm đầy hớ hênh cho lũ hung đồ? Đó có thể gọi là dũng cảm được không?
Câu chuyện đang nóng trên mạng xã hội ngày hôm nay, là hình ảnh 1 thanh niên chụp ảnh selfie trong khu vực cách ly của bệnh viện. Kèm theo là một nội dung bài viết cho biết hai phóng viên này đã “đột nhập vào phòng cách ly nơi bệnh nhân bị nhiễm cúm Corona tại Thanh Hóa đang điều trị”. Người chia sẻ hình ảnh này nhận định, đó là hành vi quả cảm, để có những hình ảnh chân thực nhất đến với người xem. Và khi được hỏi, thì những phóng viên này bình thản trả lời “Lâu nay vẫn xác định nguy hiểm là một phần của nghề báo”.
Về vụ việc này, trước hết cần nói đúng sự thật. Tôi đã tìm ra phóng sự có đoạn hình ảnh do nhóm phóng viên Hồ Cường – Lâm Sơn – kênh VTC14 thực hiện. (Xem tại link này từ phút 1:42 https://www.youtube.com/watch?v=MgAm7OrqT1A).
Các anh không vào trong phòng cách ly, mà đứng ở ngoài quay qua cửa kính, có đeo khẩu trang (sự thực này cũng khớp với bức ảnh selfie đang lan truyền trên mạng, cho thấy các anh đứng ở cửa phòng chứ không vào trong). Các phỏng vấn trong phóng sự cũng thực hiện ở khu vực ngoài sân bệnh viện, và các nhân vật đều đeo khẩu trang khi trả lời phỏng vấn.
Để tham khảo cách tác nghiệp của các phóng viên quốc tế trong vùng dịch, các bạn có thể tham khảo bài viết sau của nhóm phóng viên thường trú Đài ABC tại Trung Quốc:
Hai phóng viên này đã đi khắp Vũ Hán, ghi hình và phỏng vấn, ngay đêm trước khi lệnh phong tỏa thành phố được thực hiện. Họ tuân thủ các thủ tục an toàn y tế, đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tìm cách “đột nhập” các khu vực cấm, và liên tục đo nhiệt độ.
Nếu những phóng viên (hay bất kỳ ai) vượt qua các hàng rào an toàn y tế cách ly dịch bệnh, dù với bất cứ lý do gì, là ngu xuẩn và cực kỳ thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Phát tán hình ảnh và gán ghép câu chuyện sai sự thật về điều đó cũng vậy. Đó không phải là dũng cảm.
Một người bố ở Vũ Hán phải đứng nhìn con ở phòng cách ly... |
Hãy nhìn hình ảnh này, một người bố ở Vũ Hán phải đứng nhìn con ở phòng cách ly vì cháu đã nhiễm virus Corona. Đứa bé đòi bế, và người bố chỉ đành gạt lệ. Đấy mới là sự dũng cảm thực sự, và đấy mới là thứ mà cộng đồng nên chia sẻ để động viên tinh thần cho nhau mạnh mẽ hơn vào lúc này.