Mối lo về dịch bệnh, thực phẩm nguồn gốc không rõ ràng, sử dụng chất lạ trong kinh doanh gia súc, gia cầm bán trên thị trường trong dịp Tết đang làm đau đầu các cơ quan quản lý. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng tấn thực phẩm bẩn dùng dấu, giấy kiểm dịch giả. Thâm nhập thực tế, PV ghi nhận, hiện nay đang tồn tại cả thị trường rao bán những loại giấy tờ này…
Mua giấy kiểm dịch qua... “cò”
Trong khi lực lượng hữu quan căng sức ngăn chặn hoạt động vận chuyển lậu động vật, thịt không rõ nguồn gốc vào các chợ đầu mối lớn thì cũng là thời điểm các “cò” giấy kiểm dịch hoạt động mạnh. Từ đầu mối tại cơ sở, PV đã tiếp cận được với Vũ “chồn” – một “cò” chuyên hành nghề này tại khu vực chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín, Hà Nội), nơi được xem là chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc.
Vũ “chồn” đang cho PV xem các giấy kiểm dịch.
Tiếp xúc với Vũ “chồn”, PV đề cập vấn đề muốn có giấy chứng nhận tiêm phòng FMD để vận chuyển 20 con lợn từ Từ Liêm vào Quảng Bình. Vũ không ngần ngại nói, có thể... can thiệp được. Gã đưa ra luôn mức giá: “Nếu vận chuyển lợn trong huyện chỉ cần giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin FMD giá 5.000 đồng/con, số lượng bao nhiêu cũng có. Trường hợp của anh vì vận chuyển ra ngoài huyện và ngoài tỉnh thì phải có giấy đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật do trạm thú y huyện cấp”.
Thấy tôi thắc mắc, Vũ “chồn” giải thích, quy trình cấp giấy rất rườm rà, nếu làm theo sẽ tốn thời gian, công sức và rất khó vì không hộ dân nào có giấy chứng nhận tiêm phòng FMD cho lợn. Vì thế chi phí cho việc này sẽ cao hơn. Mức giá mà Vũ “chồn” đưa ra tính cả giấy chứng nhận tiêm phòng FMD, giấy đăng ký kiểm dịch động vật cho 20 con lợn, một niêm chì sẽ là 850.000 đồng. Để PV yên tâm, Vũ “chồn” khẳng định: “Cậu đồng ý thì cứ báo số xe, tên người vận chuyển và số lượng heo, bọn tôi làm giấy cho, đảm bảo số lợn đó sẽ không bị dừng kiểm tra trên suốt chặng đường đi!?”.
Thực tế, hiện nay muốn có giấy đăng ký kiểm dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, trước hết người chăn nuôi phải có giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng (FMD) đối với lợn, trâu, bò, dê... Muốn có đủ giấy chứng nhận này, người nuôi phải đưa lợn tới trạm thú y địa phương hoặc mời cán bộ của trạm thú y cấp huyện tới kiểm tra và kẹp niêm chì vào xe vận chuyển đưa đi giết mổ. Do vậy, không chỉ các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ, các thương lái cũng thường lựa chọn “đường tắt” để lo những dấu kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch từ các “cò” lậu.
Mới đây, kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, gia cầm sạch tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đội Quản lý thị trường số 1 (chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với lực lượng công an đã phát hiện nhiều sai phạm về kinh doanh, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, kiểm tra cơ sở kinh doanh gia cầm Hòa Hạnh, đoàn liên ngành bắt quả tang nhân viên của cơ sở đang bơm nước vào gà để làm tăng trọng lượng và đóng con dấu giả của chi cục Thú y vào sản phẩm gà thịt. Bên trong cơ sở, đoàn liên ngành phát hiện trên 500kg gà, chim bồ câu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch.
Chủ cơ sở kinh doanh khai nhận, số gà trên chủ yếu được mua gom và nhờ người chở về từ chợ Hà Vỹ. Sau khi nhập về, gà gầy, gà xấu được bơm nước để trở nên bóng, đẹp và nặng cân hơn. Con dấu kiểm dịch thú y mà cơ sở này đóng trên sản phẩm gà thịt là dấu giả.
Cán bộ “dán tem lấy tiền”?
Cũng để đối phó với lực lượng chức năng, nhiều hộ kinh doanh gia súc, gia cầm đã qua giết mổ, thường dùng chiêu “dấu hồi cung” để qua mặt lực lượng kiểm dịch an toàn thực phẩm. Theo bà Xuyên, một tiểu thương chuyên kinh doanh thịt lợn tại chợ Xanh (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), khi kiểm dịch viên lăn dấu kiểm dịch qua cả con lợn đã giết mổ, người bán sẽ “găm” lại một mảng thịt còn dấu kiểm dịch trên đó và tuồn số lượng thịt lợn chưa được đóng dấu kiểm dịch lên bán tiếp. Việc này sẽ đánh lừa được người tiêu dùng vì họ nghĩ thịt lợn đã được đóng dấu kiểm dịch...
Gia cầm giết mổ nhỏ lẻ rất khó kiểm dịch an toàn thực phẩm.
Bà Xuyên cũng cho biết, nhiều thương lái đánh hàng gia súc, gia cầm với số lượng lớn, thậm chí thuê lại giấy chứng nhận kiểm dịch đã được cấp cho lô hàng này để gắn vào lô hàng sau nhằm qua mặt các chốt kiểm tra. Tiểu thương này tiết lộ, giá thuê mỗi loạt giấy chứng nhận kiểm dịch khoảng 1,5 triệu đồng cho mỗi lô hàng.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết về thực phẩm, bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng giám đốc công ty CP Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) phàn nàn về bất cập liên quan đến cung ứng, quản lý về an toàn thực phẩm. Bà Hậu đề cập chuyện cán bộ thú y “dán tem lấy tiền”. Theo đó, một khối thịt, siêu thị lấy từ cơ sở giết mổ về sẽ có kiểm dịch, nếu bán cả khối thịt cho khách thì không sao. Tuy nhiên, siêu thị bán lẻ phải xẻ ra 3-5 lạng/miếng để bán, lại gặp rắc rối lớn.
“Tức là trên miếng thịt vài lạng xẻ ra đó, có tới 3 loại tem dán, là tem trọng lượng, tem sản phẩm và tem thú y. Dán gần hết mặt miếng thịt. Trong đó, tem thú y thường được kiểm dịch viên kiểm tra, dán và bán cho chúng tôi 500 đồng/tem. Hàng thịt nhập về từ siêu thị từ sớm, nếu cán bộ thú y đến đúng giờ thì không sao, nhưng đến muộn thì thịt bị ôi mất. Tôi đã “khóc” nhiều lần lên cơ quan quản lý nhưng chưa giải quyết được”, bà Vũ Thị Hậu băn khoăn.
Tăng cường kiểm tra kinh doanh thực phẩm dịp Tết
Trước thực trạng trên, thạc sỹ Trần Việt Nga – Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) cho biết, đơn vị đã lập nhiều đoàn công tác tăng cường giám sát, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội. Ngoài Hà Nội, đơn vị còn cử đoàn về các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Lào Cai… với mục tiêu giảm thiểu số ca ngộ độc thực phẩm dịp Tết xuống ít nhất 10%.
Theo bà Nga, hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh khi kiểm tra còn có những sai phạm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, như cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chưa được khám sức khỏe, nhiều mặt hàng đường phố chưa tuân thủ các điều kiện.
P.V