Sự nhảy vọt này thể hiện bước ngoặt quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đó là các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ không chỉ có hàng dệt may mà còn có cả các sản phẩm công nghệ cao.
Đến cuối năm 2023, nhiều sản phẩm chủ lực của Apple sẽ được lắp ráp tại Việt Nam. Thay vì cạnh tranh với danh hiệu “công xưởng thế giới” của Trung Quốc, Việt Nam đang được coi là điểm đến sản xuất bổ sung cho Trung Quốc trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam cũng đã cung cấp môi trường rất cần thiết để các công ty công nghệ tài chính (fintech) nước ngoài giảm thiểu rủi ro và định hướng lại khả năng của họ trước sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc - bao gồm cả việc Apple chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, khoản đầu tư 1,6 tỷ USD của Amkor Technology có trụ sở tại Mỹ vào một nhà máy bán dẫn. Việt Nam cũng đang chào đón công ty Huawei trở lại.
Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao lớn thứ 4 sau Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Đức. Mặc dù Việt Nam hiện giữ vị trí thứ 7 nhưng tốc độ tăng trưởng của nước này không có đối thủ - tỷ trọng hàng hóa công nghệ cao trong xuất khẩu của Việt Nam đạt 42% năm 2020, tăng so với mức 13% năm 2010.
Nhiều ý kiến thừa nhận rằng việc Chính phủ Việt Nam mở cửa đất nước cho thương mại tự do và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã mang lại những kết quả rất tích cực và không đe dọa đến hệ thống thương mại toàn cầu.
Mặc dù xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam đang thúc đẩy tăng trưởng đất nước, vẫn có sự phụ thuộc quá mức vào đầu vào đổi mới của nước ngoài, với khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam do các công ty nước ngoài chi phối và nắm giữ.
Tuy nhiên, có một “điểm sáng” đáng kể - dòng vốn FDI hiện tại từ các công ty fintech đang giúp Việt Nam có thêm thời gian để giải quyết sự phụ thuộc vào đầu vào đổi mới nước ngoài. Điển hình như việc Chính phủ Việt Nam có thể thuyết phục Apple đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như tăng cường mối quan hệ với các trường đại học và sinh viên Việt Nam, như Apple đã làm ở Trung Quốc. Trang mạng trên nhận định Việt Nam đã có vị thế đặc biệt để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới và thành công của nước ta trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 với tư cách là nền kinh tế năng động hàng đầu châu Á trong thời kỳ đại dịch đã củng cố uy tín và danh tiếng của đất nước như một môi trường an toàn và thân thiện cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cuộc đua trở thành con hổ châu Á tiếp theo của Việt Nam có những thách thức, bao gồm cả câu hỏi làm thế nào để giảm sự phụ thuộc quá mức của đất nước vào đầu vào đổi mới nước ngoài. Tuy nhiên, có vẻ như các yếu tố cốt lõi của hệ sinh thái đổi mới đang bén rễ khi Việt Nam khẳng định mình là cường quốc xuất khẩu công nghệ cao.