Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hơn 7,7 triệu ca sinh tại bốn quốc gia Bắc Âu: Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển trong ba thập kỷ. Họ xem xét các chẩn đoán về dị tật tim nghiêm trọng ở trẻ khi còn trong bụng mẹ hoặc trong năm đầu đời. Đồng thời, họ so sánh tỷ lệ xuất hiện dị tật tim ở trẻ được thụ thai tự nhiên với trẻ sinh ra nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản, bao gồm IVF, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) và đông lạnh phôi.
Giáo sư Ulla-Britt Wennerholm, Đại học Gothenburg, Thụy Điển, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu trước đây cho thấy có những rủi ro tăng cao ở trẻ được thụ thai nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản, bao gồm sinh non và cân nặng khi sinh thấp. Chúng tôi muốn điều tra xem liệu nguy cơ dị tật tim có cao hơn ở những trẻ này hay không."
Kết quả được công bố trên tạp chí European Heart Journal cho thấy trẻ em được thụ thai nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản có nguy cơ dị tật tim 1,84% so với 1,15% ở trẻ thụ thai tự nhiên. Nguy cơ này nhất quán ở các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác nhau, tuy nhiên nó cao hơn đáng kể ở các ca đa thai với tỷ lệ 2,47%. Các ca đơn thai có nguy cơ dị tật tim 1,62%.
Wennerholm lưu ý rằng dị tật tim bẩm sinh thường cần phẫu thuật đặc biệt khi trẻ còn rất nhỏ. Do đó, việc phát hiện sớm những trẻ có nguy cơ cao sẽ giúp can thiệp kịp thời.
Bernard Tuch, giáo sư thỉnh giảng Đại học Monash (Úc), chia sẻ: "Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sinh ra nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh cao hơn một chút, trong đó phổ biến nhất là các dị tật tim." Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng mức tăng nguy cơ này vẫn ở mức thấp.
Trong một bài bình luận đi kèm nghiên cứu, Tiến sĩ Nathalie Auger từ Trung tâm Nghiên cứu Bệnh viện Đại học Montreal chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đang ngày càng tăng, chiếm từ 2% đến 8% số ca sinh, tùy theo từng quốc gia. Bà kết luận: "Dù phần lớn trẻ sinh ra nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đều khỏe mạnh, nhưng chúng ta không thể phủ nhận các thủ thuật này vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định."