Cuối tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo G7 đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng, hỗ trợ các quốc gia khác để thế giới có thể đẩy lùi đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2022.
Nhưng kế hoạch này liệu có khả thi? Điều đó phụ thuộc nhiều vào quan điểm của mỗi người. Hiện nay, chưa có quốc gia nào đặt mục tiêu tiêm chủng cho 100% người trưởng thành.
Mục đích thực sự của các nước trong chiến dịch tiêm chủng chỉ là để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, tương đương 60-70% dân số. Theo nhận định của một số chuyên gia, thế giới có thể đạt được mục tiêu này vào tháng 12 năm 2022, nhưng điều này chỉ khả thi khi các nền kinh tế hàng đầu trong khối G7 có những động thái quyết liệt để biến nó thành hiện thực.
Cơ chế COVAX dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc được thiết kế như một giải pháp giúp cho các nước thu nhập thấp có khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19.
COVAX đã ký hợp đồng với các hãng dược phẩm để mua 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, nhưng tiến trình này đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhà cung cấp chính của cơ chế này là Viện Huyết thanh của Ấn Độ, hiện đang phải tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước và sẽ không thể hoàn thành hợp đồng với COVAX trước cuối năm nay.
Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết: “Đây là lúc khối G7 cần thể hiện vai trò của mình, bởi giờ đây khoảng cách giữa sinh và tử là vô cùng mong manh. Vào mùa thu tới đây, nhiều khả năng dù có tiền cũng không có vaccine để mua".
Lời giải duy nhất cho bài toán này là viện trợ. Những cam kết đã được nhiều quốc gia đưa ra. Đơn cử, chính phủ Anh đã hứa sẽ tặng phần vaccine còn dư cho cơ chế COVAX. Nước này đã mua đủ vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ người dân, thậm chí dự trữ lượng lớn bao gồm hơn 500 triệu liều thuộc 8 loại vaccine khác nhau.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc trì hoãn chia sẻ vaccine đến tháng 12 tới đây đang gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều người đang chết dần chết mòn vì không có vaccine. Người dân tại Nam Á và châu Phi chính là những nạn nhân của những lời hứa hẹn nửa vời.
Tiến sĩ Aylward cho biết các quốc gia đang phát triển cần được cung cấp nguồn vaccine ổn định để họ có thể thiết lập các hệ thống hoạt động hiệu quả và điều đó sẽ đòi hỏi phải đào tạo một lực lượng lao động và tiền bạc.
Đầu tuần này, 230 cựu lãnh đạo thế giới từ 5 châu lục đã viết thư gửi đến G7, qua đó góp thêm tiếng nói của họ trong việc kêu gọi các nền kinh tế mạnh nhất thế giới "dốc hầu bao" chi trả 2/3 chi phí mua vaccine, ước tính khoảng 66 tỷ USD trong vòng 2 năm.
Xét về mặt tài chính, việc đạt miễn dịch cộng đồng có ý nghĩa rất lớn. Trong kế hoạch đẩy lùi đại dịch được công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số của mọi quốc gia vào cuối năm nay, và 60% dân số vào giữa năm 2022.
“Trong khi mọi người đều nghĩ về đại dịch dưới góc độ an ninh y tế và vấn đề mạng sống con người, IMF lại nhìn nhận vấn đề này ở góc độ kinh tế. Họ cho rằng nếu như đạt miễn dịch cộng đồng vào giữa năm sau, nền kinh tế toàn cầu sẽ có thêm 9 tỷ USD, và những lợi ích của nó sẽ kéo dài cho đến hết vào năm 2025”, tiến sĩ Aylward chỉ ra.
Cho đến nay, chỉ tính riêng 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dự trữ đến 75% số lượng vaccine ngừa COVID – 19 được phân phối trên toàn thế giới.
Romilly Greenhill, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận One tại Vương quốc Anh, cho biết mục tiêu tiêm chủng trên thế giới dường như đầy tham vọng, nhưng cũng rất cần thiết.
“Đại dịch sẽ không chấm dứt ở bất kỳ đâu, cho đến khi nó chấm dứt ở khắp mọi nơi, vì vậy thực sự chúng ta cần hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng động trên quy mô toàn cầu ở mức 70% vào cuối năm tới”, bà Greenhill nhấn mạnh.
Trên thế giới, hiện vẫn còn rất ít các cơ sở sản xuất vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp. Hãng dược AstraZeneca, với mục tiêu sản xuất loại vaccine ngừa COVID-19 giá rẻ trên toàn cầu, đã ký hợp đồng với hơn 20 nhà sản xuất vaccine trên thế giới, bao gồm Mexico, Indonesia, Trung Quốc, cũng như Viện Huyết thanh ở Ấn Độ.
Hàng năm, 5 tỷ liều vaccine được sản xuất nhằm tiêm chủng định kỳ cho trẻ em để kháng lại các bệnh chết người như sởi và bạch hầu. Vì vậy, nhiều chuyên gia y tế tin rằng việc sản xuất vaccine cần được nhân rộng trên toàn thế giới nhằm cứu sống hàng triệu mạng người trong hiện tại và tương lai.
Thế giới sẽ cần khoảng 15 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19. Và điều đó chỉ có thể thực hiện được khi các hãng dược phẩm lớn đồng ý chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine với các công ty, doanh nghiệp trong ngành này ở khu vực châu Phi và châu Á.