Trước đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định việc tiếp cận công bằng vaccine cũng sẽ là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nguyên thủ G7 vào tuần tới.
Trong khi các Bộ trưởng Y tế tập trung tại Đại học Oxford, nơi phát minh ra vaccine AstraZeneca, các tổ chức phi chính phủ nhấn mạnh Vương quốc Anh nên đứng ra ủng hộ việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ của các công ty dược phẩm đối với vaccine ngừa COVID-19.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ủng hộ lời kêu gọi từ nhiều nước đang phát triển về việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ, với hy vọng điều này sẽ thúc đẩy sản xuất và cho phép phân phối công bằng hơn, nhưng Anh và một số nước châu Âu đã không đồng tình với quan điểm này.
Bà Anna Marriott, Giám đốc Chính sách Y tế của tổ chức Oxfam cho biết: “Các nhà lãnh đạo G7 phải tận dụng thời điểm này để đứng về lẽ phải của lịch sử bằng cách ủng hộ hết mình việc từ bỏ bằng sáng chế vaccine”.
"G7 có thể nhận được vaccine mà họ cần nhưng có quá nhiều người trên thế giới thì không và việc bảo vệ bằng sáng chế đang trả giá bằng mạng sống của họ", bà Marriott chỉ ra.
Anh cho biết việc chuyển giao công nghệ với định giá phi lợi nhuận, một mô hình mà AstraZeneca đã sử dụng, có thể đạt được nhiều mục đích tương tự như việc từ bỏ bằng sáng chế mà không cần phân tích nghiên cứu.
Một báo cáo của G7 về những tiến bộ trong nỗ lực cải thiện sức khỏe ở các nước đang phát triển sẽ được công bố trong hội nghị lần này và Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết ông sẽ đồng ý với các đối tác G7 về một hệ thống chia sẻ dữ liệu nhằm chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.
"Chúng ta vẫn chỉ là mắt xích yếu nhất trong chuỗi an ninh y tế. Sẽ không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn", ông Hancock tuyên bố trước hội nghị.