Trung Quốc tung quân bài 'chủ nghĩa dân tộc'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - "Mỹ không có đủ tư cách để nói chuyện với Trung Quốc" - tuyên bố của nhà ngoại giao Dương Khiết Trì trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã "gây bão" và xuất hiện trên áo phông, vỏ điện thoại và các mặt hàng khác tại Trung Quốc.
Trung Quốc tung quân bài 'chủ nghĩa dân tộc'

Chỉ vài giờ sau khi cuộc hội đàm giữa các nhà ngoại giao cấp cao Mỹ-Trung kết thúc, các trang thương mại điện tử Trung Quốc đã bày bán hàng loạt các mẫu áo phông in câu nói của ông Dương Khiết Trì.

Xu hướng này dự báo một làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang được nung nấu trong lòng Trung Quốc nhằm đáp trả lại những lời chỉ trích của phương Tây về các vấn đề vi phạm nhân quyền, đặc biệt là tại Tân Cương.

Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt có qua có lại đối với Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu, nhắm vào các nhà lập pháp và học giả, mà phía Bắc Kinh cáo buộc "truyền bá những lời nói dối và thông tin sai lệch một cách ác ý" liên quan đến chính sách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ.

Các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước vốn theo đường lối "ngoại giao chiến lang" đã lên mạng công kích các chính phủ phương Tây, nhấn mạnh vào cụm từ "tiêu chuẩn kép đạo đức giả", đồng thời vạch trần các mảng tối trong lịch sử nhân quyền của phương Tây.

Các nhà quan sát cho rằng chính phủ Trung Quốc đang muốn khởi dậy một làn sóng chủ nghĩa dân tộc không chỉ trên mặt trận trực tuyến mà còn cả trên lĩnh vực thương mại.

H&M - nhãn hiệu quần áo lớn của châu Âu, đã bị rút khỏi một số cửa hàng thương mại điện tử ở Trung Quốc vào thứ Năm sau khi công ty này đã lên tiếng phản đối tình trạng lao động cưỡng bức liên quan đến ngành công nghiệp bông của Tân Cương.

Các doanh nghiệp nước ngoài khác, bao gồm Nike, Adidas và Burberry, nhanh chóng bị lôi kéo vào làn sóng tẩy chay trên mạng xã hội Trung Quốc. Các bài đăng gắn hashtag "Tôi ủng hộ bông Tân Cương" trên nền tảng Weibo, đã ghi nhận 5 tỷ lượt đọc.

Trong một bài xã luận hôm thứ Sáu, biên tập viên Hu Xijin của tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết "chiến trường" Tân Cương có thể trở thành "chiến tuyến" trong cuộc xung đột ý thức hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chỉ còn vài tháng nữa là đến lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, một đường kẻ rõ ràng đã được vạch ra cho những người muốn đàm phán hoặc làm ăn với chính quyền Bắc Kinh: hãy hiểu rõ rằng các giá trị phương Tây không nhất thiết phải tương thích với việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Đổ vỡ hy vọng

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1, chính phủ Trung Quốc dường như đã công khai lo ngại về việc thiết lập lại quan hệ song phương.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington nhanh chóng leo thang, với việc cả hai bên áp đặt một loạt các biện pháp trả đũa thuế quan, trừng phạt và hạn chế thị thực.

Đồng thời, chính phủ Trung Quốc phải đối mặt với cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương, chính quyền Washington cáo buộc có tới 2 triệu người thuộc các nhóm thiểu số Hồi giáo đã bị giam giữ trong một mạng lưới các trại tập trung trên khắp khu vực.

Chính phủ Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc, khẳng định các trại này là "trung tâm dạy nghề" tự nguyện được thiết kế để dập tắt chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố.

Hy vọng thiết lập lại quan hệ với Washington đã không diễn ra theo ý đồ của Bắc Kinh. Không lâu trước cuộc họp ở Alaska, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức ở Hong Kong với cáo buộc phía Trung Quốc đã đàn áp quyền tự do dân sự tại đặc khu này. Trong cuộc họp ở Alaska, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã gây sốc khi trực tiếp chỉ trích nhau trên bàn đàm phán.

Hôm thứ Hai, Mỹ, Canada, Anh và EU đều đã công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức Trung Quốc ở Tân Cương. Trong một tuyên bố chung, phương Tây đã chỉ trích Trung Quốc "sử dụng lao động cưỡng bức, giam giữ hàng loạt trong các trại giam giữ, triệt sản cưỡng bức và liên quan đến việc phá hủy di sản của người Duy Ngô Nhĩ".

Sau cuộc họp ở Alaska và các lệnh trừng phạt mới, các quan chức Trung Quốc và truyền thông nước này đã nêu bật các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở các nước phương Tây.

Hôm thứ Ba, Thời báo Hoàn cầu đã công bố một danh sách "các hành vi sai trái của các quốc gia châu Âu về nhân quyền", trong đó có đề cập đến cuộc khủng hoảng người tị nạn tới từ Trung Đông và Bắc Phi, cũng như vụ thảm sát Holocaust, trong đó hơn 6 triệu người Do Thái đã chết dưới tay Đức Quốc xã.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Mỹ vi phạm nhân quyền tồi tệ hơn nhiều so với Trung Quốc.

“Chúng tôi hy vọng phía Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ từ bỏ thói đạo đức giả, kiêu ngạo và các tiêu chuẩn kép, đối mặt với các vấn đề nhân quyền của mình và có những hành động cụ thể để cải thiện và bảo vệ nhân quyền" bà Hoa tuyên bố.

Trong một bài đăng trên tài khoản Twitter chính thức của mình hôm thứ Sáu, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã so sánh các cáo buộc lao động cưỡng bức trong ngành sản xuất bông ở Tân Cương với việc sử dụng nô lệ trước đây ở Mỹ.

Chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa yêu nước

Với những căng thẳng chính trị một lần nữa gia tăng, thương mại là một trong số ít cầu nối còn lại giữa hai bên. Thế nhưng, lĩnh vực này nhanh chóng trở thành chiến trường mới của chủ nghĩa dân tộc.

Một bài đăng từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã nhắc đến tuyên bố trong quá khứ của hãng thời trang Thụy Điển H&M, khi đó công ty này cho biết họ "quan ngại sâu sắc" về các báo cáo vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, đặc biệt là xung quanh các cáo buộc lao động cưỡng bức trong ngành sản xuất bông.

H&M đã rút các sản phẩm của mình khỏi các cửa hàng thương mại điện tử, còn những người nổi tiếng Trung Quốc cũng nhanh chóng hủy bỏ các thỏa thuận với hãng thời trang do áp lực của khán giả trong nước.

Cư dân mạng Trung Quốc cũng đã "đào bới" các tuyên bố của nhiều thương hiệu phương Tây khác liên quan tới vấn đề Tân Cương, bao gồm Nike, Adidas và Uniqlo.

Trung Quốc chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022, và các thương hiệu và vận động viên đang hết sức quan ngại trước tình thế tiến thoái lưỡng nan mà họ đang phải đối mặt: hoặc lên tiếng chống lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền và đối mặt với sự tẩy chay ở Trung Quốc, hoặc giữ im lặng và đối mặt với làn sóng chỉ trích ở quê nhà.

Biên tập viên Hu Xijin của tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng việc cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ lòng yêu nước là đúng đắn. "Chúng ta hãy huy động các lực lượng khác nhau, phát huy hết sức mạnh cụ thể của họ và chiến đấu một cuộc chiến tranh nhân dân để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của chúng ta một cách sáng tạo".

Phản ứng dữ dội tại Trung Quốc lần này đã gợi nhắc đến đợt bùng nổ làn sóng tẩy chay trong quá khứ. Vào năm 2012, đã có nhiều cuộc biểu tình lớn ở Trung Quốc nhắm vào các cửa hàng và xe hơi của Nhật Bản, trong bối cảnh hai nước xảy ra tranh chấp chủ quyền trên biển.

Năm 2017, 23 cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị Lotte của Hàn Quốc đã phải đóng cửa tại Trung Quốc sau các cuộc biểu tình về việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD do Mỹ sản xuất.

Tuy nhiên, trong quá khứ các nhà ngoại giao và quan chức Trung Quốc thường thể hiện thái độ bình tĩnh trong nỗ lực dập tắt ngọn lửa giận dữ của người dân và ngăn chặn những thiệt hại lớn về ngoại giao và kinh tế. Hiện tại, sự trỗi dậy của đường lối ngoại giao "chiến lang" đã tỏ ra chiếm ưu thế.

"Người dân Trung Quốc một mặt không cho phép người nước ngoài thu lợi ở Trung Quốc, mặt khác bôi nhọ Trung Quốc. Chúng tôi bác bỏ mọi cuộc tấn công ác ý nhắm vào Trung Quốc và thậm chí cố gắng làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc dựa vào các tin đồn và dối trá", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đề cập đến việc tẩy chay H&M.

Bà Hoa nói thêm rằng chiến dịch tẩy chay trực tuyến "không phải chủ nghĩa dân tộc", đúng hơn là "chủ nghĩa yêu nước".

Theo CNN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).