Huy động 34 giáo viên bộ môn các cấp học “phiên” lại học bạ cho học sinh
Đầu tháng 06/2024, nhóm 34 giáo viên của trường THPT Nguyễn Công Trứ có tên trong danh sách của các tổ nhận được chỉ đạo của ông Phan Hồ Hải - Hiệu trưởng gửi về nhóm tổ chuyên môn. Theo đó, Hiệu trưởng đã chỉ đạo với nội dung: “Ban lãnh đạo kính mời Quý Thầy/Cô có tên sau vui lòng đến Phòng Giáo vụ từ ngày 07/06/2024 – 12/06/2024 để hoàn tất học bạ của 2 học sinh lớp 12A9…”.
Nhiều giáo viên rất ngạc nhiên và bức xúc vì thời điểm này đã hoàn tất và hết hạn của việc ghi điểm, làm hồ sơ học bạ lớp 12.
Cô N.T.N.N. – nhân viên quản lý hồ sơ học vụ của trường đã hướng dẫn các giáo viên làm lại học bạ cho 2 em học sinh. Danh tính học sinh cần hoàn tất học bạ được xác định là H.N.H.G. và N.N.B.T. đều là học sinh của lớp 12A9, năm học 2023 – 2024 do cô N.T.M.K. làm Giáo viên chủ nhiệm.
Cũng tại thời điểm này, các em học sinh lớp 12 đang chuẩn bị kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Nhiều giáo viên đã thắc mắc, vì sao phải thay cả cuốn học bạ của 2 học sinh này? Trong khi đó, học bạ là một loại tài liệu quan trọng trong hệ thống giáo dục, ghi lại thành tích học tập của mỗi học sinh theo từng năm học.
Sau mỗi năm học, thầy cô sẽ hoàn thành việc đánh giá nhận xét cuối mỗi năm học ở các lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Theo hướng dẫn của nhân viên học vụ, các giáo viên chỉ được sao chép từ tờ photo học bạ gốc chứ không được xem học bạ gốc để sao chép lại phần điểm trung bình môn học kỳ 1, học kỳ 2 và cả năm học. Sau đó, các giáo viên chủ nhiệm sẽ ghi phần nhận xét, đánh giá của cả 3 năm học.
Chính vì điều này, nhiều giáo viên tỏ ra hoài nghi về sự minh bạch trong việc sao chép học bạ. Những điểm số của giáo viên sao chép từ bản photo có chính xác 100% ở các thành phần điểm trung bình và xếp loại, nhận xét đánh giá mà các giáo viên đã thực hiện mỗi năm học ở học bạ gốc hay không?
Hơn hết, nhiều trường Đại học vẫn đang thực hiện hình thức tuyển sinh Đại học thông qua học bạ THPT của học sinh. Do đó, việc thay học bạ có đúng với quy định của pháp luật?
Để làm rõ vấn đề này, Ngày Nay đã có buổi làm việc với ông Phan Hồ Hải – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Công Trứ.
Ông Phan Hồ Hải xác nhận, thực tế vừa qua có lớp 12A9, giáo viên chủ nhiệm có nhận xét lời phê cho các học sinh của mình. Về nguyên tắc, trong cuốn học bạ, sau khi xong hết nội dung, giáo viên chủ nhiệm phê chốt học bạ một năm học. Trong lời phê của giáo viên chủ nhiệm dẫn đến phụ huynh cảm thấy hơi nặng với con của mình. Phụ huynh muốn điều chỉnh lại lời phê đó.
Nhà trường được thay học bạ!
Hiệu trưởng đã kiểm tra học bạ, thấy lời phê đó chưa đúng tinh thần nên nhắc nhở học sinh. Những học sinh này học lớp mũi nhọn của trường, cô chủ nhiệm 2 năm liên tiếp mới đến lớp này. Điểm trung bình học kỳ năm của các em không dưới 9 phẩy, nhưng lời phê của cô là “cần phải nỗ lực trong học tập và cố gắng, chưa chuyên cần”.
Như vậy, không biết dựa vào đâu để giáo viên chủ nhiệm kết luận. Dưới cuối học bạ thì giáo viên chủ nhiệm viết “học sinh giỏi”. Do đó, hơi mâu thuẫn. Phụ huynh cảm thấy lời phê hơi nặng với con của mình. Sau này, nếu các em có đi du học thì sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, đạo đức của các em là tốt. Phụ huynh đã gửi đơn cứu xét trên tinh thần đánh giá nhận xét học sinh như vậy, Hiệu trưởng đã đề nghị giáo viên chủ nhiệm điều chỉnh lại lời phê cho phù hợp hơn. Một cuốn học bạ học năm cuối là lớp 12, nếu chỉnh sửa lại thì đương nhiên không thể gạch cuốn học bạ, bôi xóa cuốn học bạ mà phải in lại cho tờ giấy mới.
Tờ giấy mới khi gắn vào cuốn học bạ thì không khớp các con dấu giáp lai. Như vậy, phải thay cuốn học bạ mới. Thay cuốn học bạ mới thì phải có 3 năm học (10, 11 và 12) nên phải “phiên lại” từ cuốn học bạ cũ sang cuốn học bạ mới để nhà trường đóng dấu giáp lai lại mới đúng quy định.
Nhà trường đã nhờ các giáo viên ở lớp 10, 11 và 12 phiên lại rồi ký xác nhận vào. Sau khi nhà trường làm xong công việc trên thì họp lại để xác nhận, “đối sánh” để kiểm dò từ cuốn cũ sang cuốn mới. Nhà trường tiến hành niêm phong tất cả cuốn học bạ đó lại, ký xác nhận để sau này có việc gì đó, cần mở ra kiểm tra thì vẫn còn đó.
Trong lớp này, có 2 trường hợp giáo viên chủ nhiệm đã phê với lời phê “hơi nặng” nên phụ huynh cảm thấy “đau lòng” trong khi các em học giỏi.
Ông Hải cho rằng, trong quá trình học tập giữa cô và trò có trao đổi gì đó mà cô chưa hài lòng. Nếu cô chưa hài lòng thì phải gặp để trao đổi với phụ huynh. Nếu cô đã gặp phụ huynh, có làm việc và có biên bản với phụ huynh mà có lời phê như vậy thì tôi không có ý kiến.
Quy định tại Điều 20 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về "Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm". |
Cô chưa làm việc với phụ huynh, chưa lập biên bản với học sinh này mà có kết luận như vậy thì hơi mâu thuẫn với kết quả học tập của học sinh đó. Thứ nhất, hạnh kiểm tốt, học lực giỏi thì phê “chưa chuyên cần” là dựa vào đâu?
Ông Hải khẳng định, đã có cuộc họp Hội đồng sư phạm và thông tin cụ thể với các trường hợp thầy cô phải lưu ý trong việc ghi học bạ, phê học bạ phải có trách nhiệm chứ không phải muốn làm gì thì làm. Đây là lần đầu cô có cách thực hiện chưa phù hợp thì nhắc nhở, chưa vi phạm pháp pháp luật hay như thế nào mà kỷ luật người ta (giáo viên chủ nhiệm – PV).
Những “dấu ấn” khó quên
Liên quan đến trường THPT Nguyễn Công Trứ, đây là ngôi trường có nhiều dư luận xấu về việc chỉnh sửa điểm của học sinh, giám thị có hành vi sàm sỡ nữ sinh,..
Cũng cần nhắc lại, giữa kỳ học kỳ II năm học 2018 – 2019 tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ xảy ra vụ sửa điểm cho học sinh. Đến tháng 03/2021, bà Phạm Thị Thu Hồng – Hiệu trưởng đã chính thức rời khỏi trường để bàn giao cho ông Phan Hồ Hải.
Ngày 15/03/2021, trường Nguyễn Công Trứ thực hiện việc bàn giao công tác quản lý hiệu trưởng. Theo đó, bà Hồng đã bàn giao cho ông Hải tổng số tiền đến ngày 14/3/2021 (chưa sử dụng) là hơn 19,5 tỷ đồng.
Đến giữa học kỳ 2 năm học 2021 – 2022, ông Phan Hồ Hải đã chỉ đạo việc nâng điểm cho học sinh của lớp 12 gây bất bình trong dư luận. Đối với việc nâng điểm này, ông Hải chỉ bị “nhắc nhở”.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của Ngày Nay, đối với hệ thống VietSchool, điểm số của trường Nguyễn Công Trứ có thể được chỉnh sửa không quá khó khăn.