Hơn một năm trước, thế giới đã mất đi một biểu tượng về kiến trúc Gothic, khi hầu hết phần mái của Nhà thờ Đức Bà cháy thành tro bụi. Đang có nhiều tranh cãi nổ ra về kế hoạch sửa chữa lại nhà thờ. Phần tháp bị cháy nên được xây lại theo phong cách Gothic, hay tiếp nhận một trường phái kiến trúc thời thượng hơn? Và thực ra, Gothic là gì? Liệu Gothic có thể kết hợp cùng các trường phái kiến trúc đương đại hay không? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta cần phải xem xét từ phần cơ bản nhất của kiến trúc Gothic.
Được khởi công năm 1160, nhưng phải 1 thế kỷ sau, Nhà thờ Đức Bà mới chính thức được hoàn thành. Và phải tới 600 năm sau, phần chóp bị cháy rụi năm 2019 mới được xây dựng thêm. Với tuổi đời gần một thiên niên kỷ, Nhà thờ Đức Bà đã sống sót qua nhiều biến động của lịch sử, như đại dịch “Cái chết Đen”, 2 cuộc chiến tranh thế giới, đại dịch cúm Tây Ban Nha và cả đại dịch COVID-19. Những “nhân chứng lịch sử” như Nhà thờ Đức Bà có ý nghĩa rất quan trọng với nhân loại, để chúng ta hiểu hơn về lịch sử, cũng như chính bản thân mình.
Nhà thờ Đức Bà tại Paris, Pháp. (Ảnh: CNN) |
Khởi nguồn từ tôn giáo, phong cách Gothic xuất hiện trong rất nhiều những công trình kiến trúc truyền thống, chứ không chỉ ở các nhà thờ, nhà nguyện và tu viện. Lịch sử của kiến trúc Gothic bắt đầu từ thế kỷ thứ 7, khi một số trụ bay dạng nguyên thuỷ - một đặc trưng của kiến trúc Gothic được tìm thấy. Tuy vậy, phải đến thế kỷ 12, phong cách này mới trở nên phổ biến tại tất cả thành phố thời Trung cổ. Gothic thổi những làn gió mới vào kiến trúc, điêu khắc, kỹ thuật. Bên cạnh đó, sự cải thiện về chiều cao và ánh sáng bên trong đã thúc đẩy cho những công trình kiến trúc Gothic ngày nay ra đời.
Thời kỳ này đã đánh dấu những bước phát triển quan trọng nhất của kiến trúc Gothic, theo nghĩa đen, bằng những viên đá.
Khát vọng thoát khỏi trọng lực
Cổng vào cũng những hoạ tiết điêu khắc tinh xảo tại mặt tiền của Nhà thờ Cologne, Đức vào ban đêm. (Ảnh: CNN) |
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của kiến trúc Gothic, là khát vọng thoát khỏi trọng lực và vươn tới bầu trời, thậm chí là thiên đường. Những công trình kiến trúc Gothic thường cao, mảnh mai, tinh tế và thanh lịch. Trong tất cả những trường phái kiến trúc được con người sáng tạo ra, không có dòng nào gắn liền với chiều cao và sự sang trọng theo chiều thẳng đứng như Gothic.
Để đạt được chiều cao và độ tinh tế đó, các kiến trúc sư phải giải quyết rất nhiều vấn đề - và thành quả là một nghệ thuật kiến trúc Gothic như chúng ta đang được chứng kiến ngày nay. Các trụ bay được sử dụng để tăng phần kiên cố cho những hàng cột chịu lực lớn bằng cách kết nối chúng với nhau. Theo quan điểm của các kiến trúc sư, những trụ bay này sẽ “san sẻ” trọng lực từ cột này sang cột khác, khiến cho tổng thể công trình trở nên nhẹ nhàng, mảnh mai và tinh tế hơn.
Những trụ bay của Nhà thờ Đức Bà, Paris, Pháp. (Ảnh: CNN) |
Không chỉ vậy, trụ bay còn khiến những hàng cột trở nên mỏng và cao hơn nhiều so với thực tế. Hiệu ứng này càng trở nên rõ ràng hơn bởi các hoạ tiết chạm khắc trên cột, nhằm giảm bớt kích cỡ to lớn của chúng (hãy tưởng tượng sự khác biệt giữa 10 chiếc ống hút được dán lại với nhau và một chiếc ống làm bằng bìa cứng có cùng kích cỡ). “Công thức” này tạo ra những tác động đáng kinh ngạc về thẩm mỹ trong một không gian lớn, mà ví dụ tiêu biểu nhất là nhà nguyện Sainte-Chapelle - công trình được hoàn thành vào năm 1248 và nằm cách Nhà thờ Đức Bà khoảng 300 mét.
Nơi phát minh ra những “điểm ảnh” đầu tiên trong lịch sử
Một ô cửa sổ được trang trí bởi các tracery của Nhà thờ chính toà Milano, Ý. (Ảnh: CNN) |
Khi những cột chịu lực trở nên nhỏ hơn, không gian dành cửa kính màu sẽ tăng lên, mang tới nhiều ánh sáng hơn cho nhà thờ. Tuy nhiên, một vấn đề mới xuất hiện - đó làm sao để chế tạo ra những bức tranh kính màu lớn từ các mảnh kính nhỏ thời đó. Câu trả lời chính là “tracery” - các hoạ tiết và cấu trúc nhỏ được trang trí bên trong các tấm kính. Một trong những ví dụ điển hình nhất của phong cách trang trí này trong kiến trúc Gothic là “cửa sổ hoa hồng” - một loại cửa kính màu có hình tròn gần giống như một bông hoa, hiện đang được trang trí tại mặt tiền của hàng ngàn thánh đường và nhà thờ trên thế giới.
Việc sử dụng các tracery cho phép những mảnh kính nhỏ, quý hiếm được nâng đỡ và bảo vệ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các tấm kính màu lớn được sử dụng rộng rãi hơn. Sự kết hợp của ánh sáng tự nhiên, cùng thiết kế và màu sắc tinh xảo của kính màu đã tạo ra những bức tranh ngược sáng đầy mê hoặc. Nhiều câu chuyện, sự tích thời xa xưa đã được các nghệ nhân kính màu khắc hoạ qua tác phẩm của mình. Giáo dân, những người hầu như không có khả năng đọc vào thời điểm đó, có thể hiểu được thông điệp mà các bức tranh kính màu muốn truyền tải.
Những bức tranh kính màu ấn tượng tại Nhà thờ chính toà Milano, Ý. (Ảnh: CNN) |
Nhà thờ chính toà Milano là một trong những nơi sở hữu cửa sổ hoa hồng Gothic đẹp nhất thế giới. Công trình vĩ đại này trải qua tới gần 600 năm xây dựng: khởi công năm 1386 và chính thức hoàn thành vào năm 1965. Quá trình xây dựng Nhà thờ chính toà Milano bị gián đoạn nhiều lần do xung đột chính trị, chiến tranh, thay đổi thiết kế hay cạn kinh phí đầu tư. 78 kiến trúc sư đã tham gia thiết kế và xây dựng Nhà thờ chính toà Milano, bao gồm cả Leonardo Da Vinci.
Những khung vòm đồ sộ và phức tạp
Khung vòm phong cách Gothic tại Nhà nguyện King's College, Cambridge, Anh. (Ảnh: CNN) |
Thiết kế nội thất tinh xảo yêu cầu sự bảo vệ chắc chắn hơn - cụ thể là những mái nhà lớn, kiên cố hơn. Đó là tiền đề cho những khung vòm bằng đá, sử dụng những vòm nhọn để tăng sự linh hoạt về chiều rộng và chiều cao so với vòm tròn cổ điển (một loại vòm luôn phải có chiều rộng gấp đôi chiều cao) ra đời. Thiết kế mới này dễ dàng hơn trong việc chuyển trọng lượng của khung vòm qua các hàng cột đến mặt đất ở phía dưới. Khung vòm Gothic trở thành một yếu tố đặc biệt phức tạp, bởi các thành phần cấu trúc của nó luôn được thay đổi và thử nghiệm qua hàng thế kỷ: uốn cong, đan chéo, xen kẽ, hay được kết nối thành một hợp thể tinh vi hơn.
Chưa từng bị lãng quên
Trong lịch sử kiến trúc châu Âu, từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14 là khoảng thời gian mà kiến trúc Gothic thịnh hành nhất. Sau đó, Gothic đã phải nhường lại vị trí đứng đầu cho trường phái kiến trúc Cổ điển, bắt đầu nổi lên từ thời Phục hưng. Gothic từng bị coi là lỗi thời đến nỗi, vào thế kỷ 17, kiến trúc sư nổi tiếng thuộc dòng Baroque là Francesco Borromini đã bị đối thủ cũng nổi danh không kém là kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini mỉa mai là một “kiến trúc sư Gothic”. Nhưng lỗi thời trong một vài thế kỷ, không có nghĩa là phong cách Gothic đã thực sự “cáo chung”.
Giữa thế kỷ 18, trường phái Tân cổ điển ngày càng bị bài trừ bởi một chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo mới, xuất hiện đa phần ở Anh. Chủ nghĩa này mong muốn một quốc gia trở về với những gì gọi là “kiến trúc Thiên Chúa giáo”. Vì vậy, phong trào kiến trúc Phục hưng Gothic ra đời.
Cung điện Westminster, nơi làm việc của Quốc hội Anh. (Ảnh: CNN) |
Tuy nhiên, không giống như “người tiền nhiệm”, kiến trúc Phục hưng Gothic không chỉ được sử dụng cho các thánh đường, tu viện hay nhà thờ mà còn được dùng cho cả các công trình phi tôn giáo như trường học, khu dân cư hay các toà nhà cho chính phủ. Một trong số đó là Cung điện Westminster, nơi Quốc hội Anh làm việc. Tháp đồng hồ dòng Gothic nổi tiếng Big Ben được đặt tại nơi này.
Cao và thanh mảnh, kiến trúc Gothic từng là ứng cử viên sáng giá để trở thành một phong cách kiến trúc mới tại Mỹ đầu thế kỷ 20, áp dụng cho những toà nhà chọc trời. Tháp Tribune ở Chicago là một trong các ví dụ nổi bật nhất. Thiết kế cuối cùng của công trình này đã được chọn lựa trong một cuộc thi thiết kế năm 1922, với sự tham gia của 10 kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thời đó. Mỗi người đề xuất một trường phái kiến trúc khác nhau cho toà nhà, bao gồm Hiện đại, Cổ điển, Nghệ thuật Trang trí và Gothic.
Cuối cùng, trường phái Gothic đã được lựa chọn để áp dụng cho thiết kế của Tháp Tribune. Ban đầu, toà nhà là trụ sở của báo Chicago Tribune, và là văn phòng đại diện của CNN tại Chicago sau đó.
Tháp Tribune tại Chicago, Mỹ. (Ảnh: CNN) |
Kiến trúc thế kỷ 21 cần một "Gothic" mới?
Bản thiết kế toà nhà dân sự cao 102 tầng tại Manhattan của kiến trúc sư Mark Foster Gage và đội ngũ của ông. (Ảnh: CNN) |
Gần một thế kỷ sau khi Tháp Tribune được thiết kế bởi kiến trúc sư người New York Raymond Hood, kiến trúc Gothic lại một lần nữa được ứng dụng vào công trình đương đại. Người làm điều đó lần này là Mark Foster Gage, cũng là một kiến trúc sư đến từ New York. Công trình ông và đội ngũ đang thử sức là một toà nhà dân sự cao 102 tầng tại Phố Tây 57, Manhattan. Họ đã xem xét về các thiết kế theo chiều thẳng đứng, những dãy cột, tracery và mái vòm của trường phái Gothic, và cố gắng ứng dụng chúng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Gage và đội ngũ chọn hướng đi này để thoát ra khỏi cấu trúc hộp kính hiện đại nhạt nhẽo, xuất hiện ở hầu hết các thành phố trên thế giới. Những toà nhà chọc trời bị “đóng khung” bởi những tấm kính lớn đang trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại. Liệu đó có phải là lựa chọn thiết kế duy nhất cho những công trình tương tự trong tương lai? Chúng ta sẽ thu được gì, nếu vượt ra khỏi kiến trúc “hộp thuỷ tinh” đó thành công?
Mặt tiền của toà nhà "The Khaleesi" khi được nhìn từ trên xuống. (Ảnh: CNN) |
Đó là những vấn đề được đặt ra khi thực hiện dự án này. Sau khi giải quyết, Gage và các kiến trúc sư của mình đã thu được một số thành quả đáng tự hào. Đầu tiên là sự cải tiến về thiết kế mặt tiền thẳng đứng đặc trưng của trường phái Gothic. Họ làm nó trở nên phức tạp hơn, với một số chi tiết mới, như ban công được đặt ở những vị trí khác nhau dọc theo chiều cao của toà nhà. Khung cửa sổ được kết hợp với hệ vách bằng kính - hậu duệ đương đại của những tấm kính màu cổ. Thiết kế này sẽ giúp cư dân của toà nhà thoải mái quan sát Công viên Trung tâm New York và đường chân trời phía xa.
Báo chí đã đặt cho công trình của Gage là “The Khaleesi”. Nickname này thực chất là tên của một nữ hoàng có làn da trắng nhợt nhạt, cưỡi một con rồng và đưa đội quân của mình đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong series Game of Thrones. Trên thực tế, công trình của họ phù hợp với những gia đình giàu có hơn là nữ hoàng và hiệp sĩ. Tuy nhiên, biệt danh “The Khaleesi” chứng tỏ rằng, kiến trúc vẫn có thể giúp những thế hệ cách nhau đến hàng ngàn năm lịch sử kết nối được với nhau.
Và không chỉ Gothic, mọi trường phái kiến trúc khác nên được coi như những thực thể sống, có chung hơi thở và nhịp đập với lịch sử loài người. Không chỉ vậy, những thực thể đó cần phải liên tục được tái tạo và phát triển bởi bàn tay của cả thế hệ ngày nay lẫn mai sau.