Lui sinh ra tại Giang Môn (Quảng Đông, Trung Quốc) và tới Hong Kong (Trung Quốc) năm 4 tuổi cùng cả gia đình. Ông lớn lên trong thời kỳ đen tối nhất của thành phố này, nhìn thấy những thi thể nằm la liệt trên đường trong Thế chiến II và nhiều người khác "bị đói đến chết".
"Tôi nhìn thấy rất nhiều khó khăn mà mọi người đã phải trải qua thời kỳ đó. Tôi nhớ hết", ông cho biết trên Fortune. Đây cũng là lúc ông học được bài học đầu tiên về sức mạnh kinh tế. "Người Nhật nói rằng: ‘Người Trung Quốc các anh nghèo và thất học’. Tôi còn nhớ đến tận bây giờ", ông nói.
Năm lớp 6, Lui phải bỏ học. Để kiếm sống và phụ giúp gia đình, ông bán lạc và kẹo lạc trên đường phố. Khi chiến tranh kết thúc, ông theo người chú vào làm tại một công ty kinh doanh phụ tùng ôtô, với vị trí thủ kho.
Sau đó, khi mới 20 tuổi, ông tách ra và mua một công ty khác. Rồi ông nghe tin các thiết bị mà quân đội Mỹ bỏ lại đang được bán đấu giá ở Okinawa (Nhật Bản).
Những chiếc máy ủi mà ông mua ở đó đã giúp Lui có tấm vé bước vào ngành khai phá đất màu mỡ ở Hong Kong. Do thời điểm đó, Hong Kong "vẫn còn lệ thuộc vào sức người để san bằng đồi núi và khai hoang", Lui nhớ lại. Công ty của ông từ đó dần mở rộng sang kinh doanh vật liệu xây dựng, rồi bất động sản, sòng bài và khách sạn.
Những cơ hội liên tiếp khiến Lui cũng phải thừa nhận: "Tôi là người rất may mắn". Theo Forbes, Lui hiện có 10,1 tỷ USD và là người giàu thứ 6 Hong Kong. Ông là Chủ tịch K.Wah Group - công ty mẹ của Galaxy Entertainment Group. Tập đoàn này sở hữu casino Galaxy Macau tại Macau (Trung Quốc).
60 năm trước, khi bắt đầu kiếm được tiền, Lui đã bị ám ảnh bởi chuyện "mọi người có quá ít cơ hội để đi học. Vì không có cơ sở vật chất, không ký túc, không trường học, không gì cả".
Vì thế, ông bắt đầu xây nhiều trường học tại Trung Quốc, rồi đóng góp cho các trường đại học. Thậm chí, ông còn về quê hương - Giang Môn để xây một tòa nhà tại trường Đại học Wuyi trong vùng. "Tôi quyên góp bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu thấy cần thiết. Nó luôn là ưu tiên của tôi", Lui cho biết.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ tầng lớp người giàu tại Trung Quốc đã làm từ thiện đủ hay chưa, Lui cho biết: "Dù thế nào, họ vẫn làm vì mục đích tốt. Tôi trân trọng điều đó và sẽ không bình luận hay phán xét ai cả".
Lui không mấy nổi tiếng ngoài Trung Quốc. Có lẽ người ta dễ nhận ra ông nhất nhờ ngoại hình đặc trưng, đội mũ bán báo (newsboy) mọi lúc mọi nơi, kể cả khi họp với các lãnh đạo thế giới. Bộ sưu tập mũ của ông có hơn 100 cái. Và mỗi lần cần đi đâu, ông chỉ việc chọn một chiếc, mặc với vest và thắt cà vạt.
Khi được hỏi vì sao ông không rời chiếc mũ bao giờ, Lui bật cười: "Tôi hói và dễ bị cảm lạnh lắm". Thỉnh thoảng, có người còn tặng ông mũ làm quà. "Vào Chủ Nhật và các ngày lễ, tôi có thể đội mũ sặc sỡ và vui nhộn hơn bình thường", ông nói.
Những năm gần đây, ngành kinh doanh sòng bài tại Macau gặp khó, do các tay chơi Trung Quốc giảm chi vì chiến dịch chống tham nhũng. Tài sản của Lui hiện cũng chỉ bằng một phần ba so với đầu năm 2014.
Nhưng ông quan niệm giàu có không phải chìa khóa của hạnh phúc. "Khi kiếm được tiền, tôi cảm thấy vui vẻ. Nhưng kể cả khi mất tiền, tôi cũng chẳng buồn. Người Trung Quốc có câu này: 'Nếu trong nhà không có người ốm, và ra ngoài chẳng có chủ nợ, bạn đã là người hạnh phúc rồi'. Các con số sẽ chỉ làm bạn thêm bận lòng mà thôi", ông nói.