Rộng cửa cho thí sinh là khẳng định của đại diện cơ sở GD đại học và chuyên gia GD trong mùa tuyển sinh năm nay.
Nhiều cơ hội lựa chọn
PGS.TS Trần Quang Bảo – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ: Phương án tuyển sinh năm 2020 của nhà trường không thay đổi nhiều, cơ bản vẫn phân bổ chi tiêu theo 2 phương án: Xét tuyển học bạ, dựa vào kết quả học tập 5 học kỳ của thí sinh (năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12); Sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Tùy tình hình thực tế, nhà trường sẽ cân nhắc thêm một số phương án xét tuyển khác: Sử dụng kết quả thi tuyển của một số trường đại học lớn, có uy tín; Tham gia nhóm trường tổ chức thi tuyển riêng (nếu có số lượng trường đủ lớn); Tổ chức kỳ thi riêng của trường cho một số nhóm ngành đặc thù, có môn năng khiếu. Như vậy, thí sinh không phải lo lắng “hẹp cửa” vào đại học khi không còn Kỳ thi THPT quốc gia. Trái lại cơ hội vào giảng đường đại học thênh thang, rộng mở” - PGS.TS Trần Quang Bảo nhấn mạnh.
Hội đồng tuyển sinh của Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh thống nhất điều chỉnh một số phương thức xét tuyển trong tuyển sinh đại học năm 2020: Bổ sung phương thức xét tuyển học bạ, lấy kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT và dành một số chỉ tiêu từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể: Nhà trường xét tuyển dựa trên kết quả học tập của 5 học kỳ bậc THPT (xét học bạ bậc THPT từ học kỳ I năm lớp 10 đến học kỳ I lớp 12) đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2020, chiếm khoảng 40% - 50% tổng chỉ tiêu. Điều kiện xét tuyển: Điểm trung bình 5 học kỳ của mỗi môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải đạt từ 6,0 điểm trở lên.
Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 khoảng 50% - 60% tổng chỉ tiêu. Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2020 khoảng 10% - 15% tổng chỉ tiêu. Thời gian đăng ký xét tuyển: Đợt 1: Từ ngày 4/5/2020 đến hết ngày 12/6/2020. Đợt 2: Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Đồng hành cùng sĩ tử
PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho thí sinh không phải đi lại nhiều, năm nay, trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng tại 3 điểm: Sơn La, Thanh Hóa, Hà Nội. Ngoài phương thức tuyển sinh này, nhà trường vẫn dành 10% - 30% chỉ tiêu để tuyển sinh dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Để hạn chế tối đa tỷ lệ thí sinh ảo, PGS.TS Trần Trung Kiên cho rằng: Các trường tuyển sinh bằng bất kỳ phương án nào cũng cần đưa vào dữ liệu chung để lọc ảo. Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ công đoạn này. Nếu các trường không chung sức, đồng lòng có thể sẽ phải đón nhận tỷ lệ sinh viên ảo khá lớn. “Đa số trường sử dụng phương án tuyển sinh dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Vì vậy, nếu đề thi có sự phân hóa, việc tuyển sinh sẽ dễ dàng hơn” - PGS.TS Trần Trung Kiên nói.
Theo thông báo của Trường Đại học Ngoại thương, nhà trường đưa ra 5 phương thức xét tuyển năm 2020. Cụ thể: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 12 và hệ chuyên của trường THPT chuyên (dự kiến xét tuyển trong tháng 6). Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển được áp dụng riêng cho từng đối tượng. Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại (dự kiến xét tuyển trong tháng 6).
Chỉ tiêu xét tuyển được áp dụng riêng cho từng đối tượng. Dựa trên kết quả kỳ thi riêng do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức (phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội); Dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và xét tuyển thẳng thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhà trường. Riêng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhà trường dành khoảng 20% chỉ tiêu.
Còn theo PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội), nhà trường nhận thấy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn đạt độ tin cậy về chất lượng nên quyết định sử dụng kết quả kỳ thi này làm cơ sở tuyển sinh. “Hiện chúng tôi chưa xác định chỉ tiêu cụ thể, nhưng dự kiến sẽ chiếm tỷ lệ tương đối lớn” - PGS.TS Bùi Đức Triệu thông tin; đồng thời dự đoán: Năm nay, tỷ lệ thí sinh ảo có thể tăng hơn so với năm ngoái. Vì thế, các trường vẫn cần sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT về phần mềm lọc ảo. Để làm được điều này, cơ sở GD đại học cần tham gia vào công bố kết quả chung để lọc ảo.