Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, nhằm đạt mục tiêu đặt ra trong Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là đến năm 2020, Bộ Y tế đã đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản: Giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp đối với cơ sở y tế và thầy thuốc; giải pháp đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc; giải pháp về truyền thông.
Về cơ chế chính sách, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu; thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm để được đấu thầu riêng, đồng thời được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật.
Về phía cơ sở y tế và thầy thuốc, nhiều bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo xây dựng danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước. Nhiều địa phương, bệnh viện đạt kết quả ấn tượng về sử dụng thuốc sản xuất trong nước và đạt mục tiêu của Đề án.
Theo thống kê, năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước ở tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước.
Một số địa phương có tỷ lệ sử dụng thuốc nội tăng cao như: Phú Yên tỷ lệ khám chữa trong hệ thống bệnh công lập chiếm tỷ lệ từ 83,13% (năm 2015) tăng đến 87% (năm 2018); các tỉnh Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Long An có tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm từ 70% đến 76,9% trên tổng giá trị sử dụng thuốc trong năm 2018.
Nhiều bệnh viện tuyến trung ương đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao và đạt mục tiêu đề ra. Giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong các bệnh viện tuyến Trung ương tăng đều qua các năm. Số liệu báo cáo các năm từ 2015-2018 của 31 bệnh viện cho thấy giá trị sử dụng thuốc trong nước tăng hơn so với số liệu của báo cáo của 36 bệnh viện năm 2013-2014.