Bộ quy tắc ứng xử này được áp dụng ngay từ năm học 2019 - 2020 là cơ sở quan trọng để xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình
Ngay từ những năm đầu, nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã nêu ra ba nguyên lí giáo dục “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội”. Nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội là một trong ba nguyên lí giáo dục!
Việc kết hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội - những chủ thể ảnh hưởng sâu sắc nhất đến quá trình học tập, hình thành nhân cách của con trẻ - vẫn luôn được coi trọng. Tuy nhiên, làm cách nào để mối liên hệ đó trở nên thực sự hiệu quả, để những cuộc gặp gỡ giữa nhà trường và gia đình không chỉ dừng lại ở các buổi họp cuối kỳ và mỗi lần học sinh phạm lỗi? Làm thế nào để những cuộc gặp gỡ của nhà trường với chính quyền địa phương không chỉ vào các ngày lễ hay vào những lúc có khó khăn cần sự hỗ trợ? Phương pháp nào phát huy hết vai trò của cả ba bên trong xây dựng văn hóa ứng xử cho con trẻ là điều cần đem ra bàn luận.
Trong đề án có đề cập đến vai trò và trách nhiệm của từng bên: Gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương. Tuy vậy, cần làm rõ và cụ thể hóa làm như thế nào để kết nối được ba bên một cách hiệu quả?
Trước hết, cần có một môi trường văn hóa ứng xử đồng thuận giữa các bên, vì nhân cách nói chung và văn hóa ứng xử nói riêng là tổng hòa của các mối quan hệ, vì vậy việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng dân cư phải được các bên liên quan cùng tham gia. Đành rằng ngành
GD-ĐT nỗ lực xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, nhưng quy luật hình thành văn hóa ứng xử cho chúng ta biết rằng không thể tách rời văn hóa ứng xử trong nhà trường, trong gia đình và trong cộng đồng xã hội, chúng được hình thành dựa trên những giá trị cốt lõi nhất quán của một con người, ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào. Và với sự tham gia ngay từ đầu của gia đình và cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng Bộ quy tắc thì việc triển khai đưa nó vào đời sống thực tiễn mới có tính khả thi, cái cảm giác “của chúng ta”, do chính chúng ta mong muốn thực hiện được là một tiền đề quan trọng để các quy tắc trở thành văn hóa.
Trong phạm vi nhà trường cũng cần phải lôi cuốn tất cả các chủ thể của văn hóa ứng xử “vào cuộc”, làm rõ vai trò làm chủ của cán bộ, giáo viên, học sinh trong xây dựng văn hóa ứng xử, tránh cảm giác bị áp đặt, dẫn tới thực hiện có tính đối phó. Hãy để họ tham gia và quyết định những quy tắc nào cần tuân thủ ở nhà trường mình, cho cán bộ, giáo viên, học sinh của nhà trường. Trong đó, cần xác định người thầy đóng vai trò dẫn lối.
Chỉ có ý nghĩa khi trở thành hành vi
Làm cho mỗi người thấu hiểu được giá trị của mỗi nguyên tắc ứng xử là điều cần thiết. Thầy cô giáo, người lớn luôn là mẫu về ứng xử cho con trẻ. Lý luận giáo dục đã khẳng định phương pháp giáo dục hiệu quả nhất chính là phương pháp làm mẫu, noi gương. Con trẻ luôn nhìn vào hành vi ứng xử của mọi người xung quanh để điều chỉnh hành vi ứng xử của mình. Chính vì vậy, quy tắc ứng xử chỉ có ý nghĩa khi trở thành hành vi của mỗi người.
Thói quen là sự cản trở cam go nhất trong quá trình hình thành văn hóa ứng xử, chính vì vậy, việc hình thành văn hóa ứng xử phải được quan tâm từ bé, càng sớm càng tốt, tránh để hình thành một cách tự phát những thói quen ứng xử không mong muốn, khi lớn lên muốn thay đổi là việc vô cùng gian nan: Không gì khó bằng thay đổi thói quen!
Có thể khác nhau và thay đổi về mức độ ảnh hưởng, nhưng ở bất cứ lứa tuổi nào thì gia đình, nhà trường và xã hội đều là ba yếu tố rất quan trọng tác động đến việc hình thành nhân cách và giáo dục cho con người.
Trước hết, cần tận dụng các buổi họp, gặp gỡ với gia đình học sinh, hay với chính quyền địa phương biến nó trở thành những buổi sinh hoạt chuyên môn và trao đổi về bộ quy tắc ứng xử của nhà trường và triển khai thực hiện các quy tắc đó như thế nào, làm thế nào để các cuộc họp, gặp gỡ giữa nhà trường với gia đình học sinh, giữa nhà trường với chính quyền địa phương thành một hoạt động thực sự có ích. Để gia đình học sinh cùng đồng hành với nhà trường trong việc nuôi dạy con trẻ, nhà trường cần thiết kế các chủ đề giáo dục để trao đổi với gia đình học sinh. Chủ đề có thể dựa trên thông tin thời sự, dựa trên mối quan tâm của phụ huynh về giáo dục con em nói chung và xây dựng văn hóa ứng xử nói riêng qua việc gửi câu hỏi, bàn luận trên website, phiếu ý kiến thăm dò… Những buổi sinh hoạt chuyên môn là một cách nhà trường và gia đình trao đổi và đưa ra thống nhất phương pháp đối với từng việc cụ thể trong việc dạy con em mình. Tránh để việc giáo dục giữa nhà trường và gia đình là hai vector ngược chiều, triệt lực của nhau.
Một phương pháp tiên tiến nữa nhằm tăng mối liên hệ chính là nhà trường cần thiết kế một cuốn cẩm nang về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học phát cho gia đình (có thể dưới hình thức online). Cuốn cẩm nang này sẽ không chỉ nhắc lại các quy tắc ứng xử mà gia đình đã cùng xây dựng với nhà trường mà giới thiệu tuần này, tháng này, con em họ đang “học giá trị nào, kỹ năng gì, năng lực gì” trong văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó, cẩm nang cần có thêm phần hướng dẫn gia đình có thể làm gì để phát triển kỹ năng đó cho con em mình. Cuốn cẩm nang sẽ được cập nhật thường xuyên và được thể hiện một cách đơn giản, dễ hiểu nhất dựa trên những sự vật, tình huống đời thường, gần gũi để cả cha mẹ và con cái họ đều có thể dễ dàng làm theo. Tùy theo lứa tuổi học sinh và cấp học mà cuốn cẩm nang này được thiết kế phù hợp.
Xây dựng mục “Văn hóa ứng xử” trên trang thông tin điện tử của nhà trường dưới hình thức tương tác được, là nơi phản ánh, trao đổi, thu thập xử lý thông tin từ người học, từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gia đình người học và những người liên quan, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử.
Để tăng cường mối gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội, nhà trường cần chủ động đề xuất phối hợp với các đơn vị, tổ chức chính quyền trên địa bàn xây dựng môi trường văn hóa ứng xử, giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên trong và ngoài trường; huy động gia đình học sinh cùng với nhà trường triển khai các chương trình tăng cường gắn bó với cộng đồng. Phải làm cho các bậc cha mẹ hiểu đây là ba yếu tố tác động trực tiếp đến con trẻ. Cha mẹ cần có sự chia sẻ với nhà trường về những sinh hoạt cộng đồng, để thực sự thấu hiểu môi trường giáo dục và học tập của con em chứ không nên chỉ mang con đến học rồi phó mặc con với những hoạt động diễn ra ở trường.
Văn hóa ứng xử là phức hợp của tri thức, niềm tin và hành vi của con người. Văn hóa ứng xử được xem là nền tảng, là thước đo giá trị nhân cách của con người thể hiện qua hành vi với những mối quan hệ trong cộng đồng xã hội và với bản thân.
Hiện nay, trước những thách thức không nhỏ do tác động từ những mặt trái của cơ chế thị trường, trước sự bùng nổ thông tin, sự du nhập hành vi ứng xử không có chọn lọc ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, văn hóa ứng xử của con người. Chính vì vậy, việc ngành GD-ĐT xây dựng Bộ quy tắc ứng xử và được Thủ tướng chính phủ kí quyết định ban hành là điều vô cùng cần thiết. Việc tham gia của các chủ thể văn hóa liên quan vào quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử là yếu tố quan trọng cho sự thành công của đề án. Cùng với những giải pháp quan trọng khác thì sự kết hợp của nhà trường, gia đình và xã hội là điều kiện tiên quyết trong quá trình triển khai đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường Việt Nam.
Mỗi nhà trường cần nỗ lực hết mình hiện thực hóa các biện pháp tăng mối gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Cùng với sự đầu tư cả về chất xám và vật chất, mỗi nhà trường đang tiếp tục khẳng định triết lý giáo dục luôn đặt học sinh làm trung tâm, chung tay cùng gia đình và xã hội bồi dưỡng, vun đắp tiềm năng trong mỗi mầm non tương lai của đất nước.