Đó là năm 2014, tôi lựa chọn một “làng Taobao” ở trung tâm thương mại điện tử phía đông thành phố Nghĩa Ô để nghiên cứu. Một trong những điều tôi nhớ rõ nhất trong chuyến đi đầu tiên đến làng là lượng xe ra vào tấp nập.
Nghĩa Ô từ lâu đã đồng hành với ngành công nghiệp bán lẻ trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc, nhưng không có gì giúp tôi chuẩn bị cho tình trạng kẹt xe kéo trên những con đường của làng vào mỗi buổi chiều. Tiếng còi xe tải chói tai và tiếng xé băng dính gói hàng đã trở thành bản nhạc quen thuộc của nơi này, đôi lúc bị ngắt quãng bởi tiếng vo ve từ thông báo của Aliwangwang - ứng dụng nhắn tin được người bán và người mua trên Taobao sử dụng để liên lạc.
Ngay từ đầu, câu hỏi nghiên cứu của tôi rất đơn giản: Làm thế nào để một “làng thương mại điện tử kiểu mẫu” như nơi này ra đời? Các học giả nghiên cứu về các làng thương mại điện tử của Trung Quốc thường nhấn mạnh tầm quan trọng của vị trí đối với sự thành công của những địa điểm này. Vị trí gần Nghĩa Ô, một trung tâm bán buôn và vận chuyển hàng hóa toàn cầu, dường như hoàn hảo cho việc xây dựng một bản doanh của ngành công nghiệp thương mại điện tử. Nhưng câu chuyện còn rõ ràng hơn thế: một chợ bán buôn nổi tiếng liền kề với ngôi làng đã bị đóng cửa trong nhiều năm khi ngành thương mại điện tử đột nhiên phát triển. Quan trọng hơn, có vô số ngôi làng trong và xung quanh Nghĩa Ô, nhiều ngôi làng gần chợ của thành phố hơn ngôi làng này. Tại sao họ không thể tận dụng lợi thế?
Một số dân làng và thương gia mà tôi phỏng vấn đã đưa ra lời giải thích cũ kỹ nhưng đáng tin cậy như vậy. Năm 2005, ngôi làng được xây dựng lại, những ngôi nhà cũ bị phá bỏ và những ngôi nhà mới được cất lên. Tuy nhiên, do không có cơ hội kinh doanh trong khu vực, nhiều căn nhà trong số này ban đầu chỉ để trống. Lo lắng về vấn đề này, một cán bộ giàu kinh nghiệm trong làng đã xác định thương mại điện tử là một ngành phát triển tiềm năng và hợp tác với lãnh đạo một trường dạy nghề ở Nghĩa Ô để biến ngôi làng thành cơ sở cho các công ty khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Câu chuyện này tập trung vào vai trò của một “cán bộ thôn khởi nghiệp” trong việc thay đổi vận mệnh của khu vực, nhưng tôi cũng thấy những điều kiện cơ bản có lợi cho sự phát triển của ngành thương mại điện tử đang hình thành trên nền tảng: cơ sở hạ tầng được cải thiện sau khi tái thiết ngôi làng cũ, giá thuê mặt bằng rẻ, giao thông đi lại thuận tiện, tiếp cận các kênh bán buôn.
Chẳng bao lâu, ngành thương mại điện tử trong làng bắt đầu trở mình. Một trong những cộng sự nghiên cứu của tôi đã chuyển đến làng này để bắt đầu kinh doanh trực tuyến vào năm 2008. Anh ta đã bị thu hút bởi lời hứa về nhiều cơ hội học hỏi về tinh thần kinh doanh, cũng như sự hấp dẫn của giá thuê thấp cùng dịch vụ hậu cần thuận tiện. Khi nhiều thương gia tập trung trong làng, các công ty chuyển phát nhanh bắt đầu thiết lập các điểm đón và trả hàng gần đó, gây ra một cuộc chiến về giá cả. Các thương gia nhận thấy họ có thể vận chuyển hàng tại đây với giá thấp hơn những nơi khác.
Taobao cuối cùng đã "đánh hơi" được lợi ích từ ngôi làng này và một số địa điểm tương tự trên khắp Trung Quốc. Vào năm 2013, Tập đoàn Alibaba - công ty mẹ của Taobao, đã công bố một danh sách các "ngôi làng Taobao". Đây là một thành công mang tính bước ngoặt trong quan hệ công chúng, một thành công đã giúp thu hút các doanh nhân và cán bộ hiếu kỳ từ khắp Trung Quốc.
Để đáp ứng nhu cầu của dòng người buôn bán này, các trung tâm đào tạo thương mại điện tử, studio chụp ảnh, đại lý người mẫu và các ngành liên quan khác đã mọc lên trong làng.
Một người phụ nữ cho biết cô đã tới làng này để làm ăn vào năm 2014. Cô cho biết để thuê được một căn hộ hai phòng ngủ đã tốn gần 30.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng) một năm, cao hơn 50% so với giá thuê ở các làng lân cận, nhưng cho rằng số tiền này đáng để bỏ ra.
Cô giải thích rằng miễn là các đơn đặt hàng ổn định, chi phí vận chuyển hàng hóa thấp của ngôi làng giúp tiết kiệm hàng chục nghìn nhân dân tệ mỗi năm. Việc tìm kiếm các nhóm thiết kế-truyền thông có kinh nghiệm trong làng cũng dễ dàng hơn.
Vào năm 2014, một năm sau thông báo của Alibaba, ngôi làng gần Nghĩa Ô đã trở nên nổi tiếng toàn quốc khi các quan chức từ trung ương đến thăm. Chuyến thăm đã dẫn đến việc đưa tin tràn lan trên các phương tiện truyền thông, và một năm sau, Hội chợ Triển lãm Thương mại Điện tử Quốc tế Nghĩa Ô đã thành lập một chi nhánh tại ngôi làng này.
Tuy nhiên, những dấu hiệu suy thoái của ngôi làng cũng dần xuất hiện. Thứ nhất, mặc dù các thương gia vẫn có thể chấp nhận giá thuê mặt bằng cao vào năm 2014, nhưng việc giá cả tăng liên tục trong những năm sau khiến ngôi làng trở nên kém hấp dẫn hơn. Thứ hai, với tư cách là một “hình mẫu” cho hình thức phát triển nông thôn mới, ý nghĩa chính trị và biểu tượng của ngôi làng đang trở thành gánh nặng: các cán bộ ngày càng mất nhiều thời gian hơn để giới thiệu với du khách hình mẫu hoạt động của làng. Hơn nữa, xung đột giữa dân làng - những người được hưởng lợi nhiều nhất từ thành công của làng, và những thương gia mới đến ngày càng trở nên gay gắt, bởi dư địa phát triển ngày càng bị thu hẹp.
Sự phát triển của ngôi làng phần lớn mang lại lợi ích cho chính người dân trong làng. Mặc dù chủ nhà của tôi thường xuyên phàn nàn về tiếng xe cộ vào những buổi chiều đông đúc, nhưng ông ấy vẫn tự hào về thành công của làng mình. Dòng người buôn bán đã cho phép ông nghỉ hưu và kiếm sống bằng cách cho thuê mặt bằng. Mỗi năm, người này thu về 100.000 nhân dân tệ chỉ riêng tiền thuê nhà, cao hơn gấp đôi thu nhập trung bình của người dân Nghĩa Ô vào năm 2015.
Một cựu cán bộ trong làng tin rằng sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử đã thay đổi cuộc sống của dân làng. “Những người lớn tuổi trong làng có rất nhiều ngôi nhà với thu nhập hàng năm trên 100.000 nhân dân tệ, vì vậy họ không phải bận tâm đến việc làm nữa. Họ cũng không muốn con cháu mình phải làm việc quá sức, chỉ để tìm một công việc ổn định hoặc thậm chí có thể ở nhà sống dựa vào tiền cho thuê", người này cho biết.
Khi giá thuê tiếp tục tăng, xung đột giữa dân làng và các thương gia đã nổ ra. Một thương gia tới đây khởi nghiệp từ năm 2008, phàn nàn rằng việc giá tiền thuê nhà ngày càng bất hợp lý.
“Tôi đã ở Nghĩa Ô nhiều năm, tôi thậm chí có thể hiểu được phương ngữ của nơi này. Một lần, tôi nghe chủ nhà nói về tiền thuê nhà với người hàng xóm. Người hàng xóm cho biết, mỗi căn hộ trong ngôi nhà bên kia đường đã tăng thêm 5.000 nhân dân tệ. Người hàng xóm cảm thấy vị trí và giao thông xung quanh nhà tốt hơn, vì vậy anh ta đang chuẩn bị tăng giá thuê mỗi căn hộ lên 10.000 nhân dân tệ. Chiều hôm đó, chủ nhà gặp tôi và đề nghị tăng tiền thuê nhà lên 15.000 nhân dân tệ. Chúng tôi đã cãi nhau về vấn đề này", người thương gia kể lại.
Giá thuê cao không chỉ ảnh hưởng đến các thương gia, mà còn ảnh hưởng đến các ngành liên quan. Đầu tiên là dịch vụ chuyển phát nhanh. Ngoài chi phí thuê mặt bằng tăng, lượng đặt hàng giảm do các thương gia chuyển đi nơi khác càng làm hạn chế lợi nhuận của họ. Lúc đầu, một vài người giao hàng nghỉ việc. Sau đó, các công ty chuyển phát nhanh buộc phải đóng cửa hoặc chuyển vào các mặt bằng nhỏ hơn. Một số công ty vừa và nhỏ thậm chí đã rời bỏ làng. Kết quả là một số thương gia đã mất các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển trong làng, có nghĩa là họ mất đi khoản tiền chênh lệch vốn để bù vào tiền thuê mặt bằng cao.
Khi tôi trở lại ngôi làng vào năm 2018, nhiều thương gia tôi từng gặp ở đó đã bỏ đi mất, và đường phố cũng kém tấp nập hơn hẳn so với vài năm trước. Mặc dù các bảng quảng cáo và các trang mạng xã hội văn phòng thương mại điện tử của làng vẫn nhấn mạnh thương hiệu "Làng thương mại điện tử số một" ở Trung Quốc và tìm cách bào chữa cho sự ra đi của các thương gia như một tác dụng phụ của việc "nâng cấp công nghiệp", điều này cho thấy ngôi làng đã không qua thời kỳ đỉnh cao của ngành thương mại điện tử. Khi Alibaba công bố danh sách cập nhật các "ngôi làng Taobao" vào năm 2021, tên của ngôi làng tôi tới đã biến mất.
Hơn 40 năm qua, nhiều ngôi làng ở Trung Quốc đã nổi tiếng với những mô hình phát triển sáng tạo tiên phong. Trong 9 năm qua, tôi đã theo dõi sự thăng trầm của một ngôi làng như vậy, khi câu hỏi nghiên cứu của tôi thay đổi từ lý do tại sao nó thành công sang lý do nó không tiếp tục thành công.
Nếu tôi phải đưa ra câu trả lời, đó là vì sự tham gia của người dân trong làng vào mô hình kinh tế của làng còn hạn chế. Nguồn lượng thúc đẩy sự chuyển đổi của làng không phải là chính người dân trong làng, mà là các thương gia bên ngoài, trong khi dân làng chủ yếu giàu lên nhờ việc tăng tiền thuê nhà. Tinh thần khởi nghiệp của những thương gia rất đáng được hoan nghênh, nhưng chúng ta cũng có thể rút ra bài học từ cuộc sự nổi lên và suy thoái của ngôi làng: Nếu cư dân địa phương và những thương gia không hòa nhập vào cùng một nền kinh tế, họ có thể rơi vào trò chơi có tổng bằng không thiển cận và quên đi những yếu tố từng giúp ngôi làng "nở mày nở mặt".
Bài viết thể hiện quan điểm của bà Qian Linliang - phó giáo sư nhân chủng học tại Đại học Đông Nam Trung Quốc.