Thế nhưng, theo đại diện Cục Quản lý thị trường, đơn vị này gần như "bó tay" trước tình trạng chiếm dụng bình gas trái phép của các doanh nghiệp kinh doanh khí gas và cho rằng không thể hành động vì bị bó bởi cơ chế quản lý.
Tại cuộc họp với các đơn vị trực thuộc Bộ ngày 18/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã gay gắt cho rằng, các đơn vị chức năng đã buông lỏng, đùn đẩy và chưa hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý thị trường (QLTT) gas. Ông Trịnh Văn Ngọc - Cục QLTT báo cáo hàng loạt các vụ vi phạm trong thời gian qua, đặc biệt là vụ việc đối với Cty TNHH Khí dầu mỏ hóa lỏng Phúc Khang (trụ sở tại TP.Hòa Bình).
Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm như có các hành vi vi phạm về sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; làm thay đổi hình dạng, kết cấu của chai LPG; nạp gas vào chai không thuộc sở hữu của chính thương nhân chủ sở hữu; sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Tổng số tiền phạt là 190 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG 2 tháng vì các hành vi vi phạm. Vụ việc được cơ quan công an đánh giá chưa đến mức độ xử lý hình sự nên chỉ có thể xử lý hành chính.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, QLTT đã "làm không tới" và không làm tròn trách nhiệm. "Đang tồn tại một sự thiếu phối hợp giữa các đơn vị trong bộ trong khi hành vi chiếm dụng tài sản trái phép, “cưa tai mài vỏ” là vi phạm rất nghiêm trọng về chất lượng sản phẩm, thậm chí là hàng giả mà không hề có hướng xử lý, xem xét trách nhiệm".
Trên thực tế, thực trạng “sang chiết gas trái phép, cắt tai, mài vỏ” đã có từ lâu, nhưng không được quan tâm đúng mức, khiến người tiêu dùng bức xúc và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn. Thế nhưng, hệ lụy của câu chuyện không chỉ dừng lại ở đấy, mà còn liên quan đến một vấn đề rất nóng bỏng là điều kiện kinh doanh.
Hiện, Bộ Công Thương đang được đánh giá là một trong những bộ đi đầu trong cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh. Mới đây nhất, ngày 15/1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, chiếm 55% số điều kiện kinh doanh hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.
Cùng với đó, Bộ này cũng đang dự thảo nhiều Nghị định khác, sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực như xuất khẩu gạo và kinh doanh khí gas. Theo đó, hàng loạt điều kiện kinh doanh sẽ được bãi bỏ.
Trên thực tế, vấn nạn “sang chiết trái phép, cắt tai, mài vỏ” lâu nay vẫn được một số người đưa ra như một lý do quan trọng hàng đầu để giải thích cho các điều kiện kinh doanh khí gas. Cả một số doanh nghiệp cũng cho rằng việc hạ điều kiện về kinh doanh gas, cụ thể là các điều kiện về số lượng bình gas hay dung tích bồn chứa gas… sẽ dẫn đến cung ứng tràn lan, Nhà nước không kiểm soát được và gây mất an toàn cháy nổ. Họ lo ngại rằng các doanh nghiệp nhỏ - khi được cởi trói khỏi các điều kiện kinh doanh - sẽ làm “rối loạn thị trường”.
Thế nhưng tại các cuộc họp liên quan về sửa đổi Nghị định 19 về kinh doanh khí gas, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có những kết luận rất rõ ràng. Ông kết luận, không có cơ sở để quy định 100.000 bình gas và bồn chứa 300 mét khối; không quy định “phải sở hữu” trạm nạp để doanh nghiệp có thể đi thuê ngoài.
Cũng phải nói thêm rằng, bãi bỏ hoặc hạ chuẩn các yêu cầu nói trên không có nghĩa là nhà nước buông lỏng quản lý. Tại Nghị quyết 01 năm 2018, Chính phủ đã yêu cầu cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành.
Đồng thời, các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ cũng yêu cầu phải cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển căn bản sang hậu kiểm, nghĩa là các lực lượng chức năng sẽ phải căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn để tăng cường kiểm tra sau, từ đó bảo đảm các yêu cầu quản lý, mà trong trường hợp quản lý Kinh doanh gas là bảo đảm an toàn cháy nổ.
Đúng là một số doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhưng không thể chỉ vì một số doanh nghiệp như vậy mà “triệt đường sống” của tất cả những doanh nghiệp nhỏ làm ăn chân chính khác. Và đây chính là nơi mà vai trò của cơ quan quản lý phải được phát huy, đúng như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh.
Chính cơ quan QLTT – nói riêng trong trường hợp này, và các cơ quan quản lý nói chung, phải vào cuộc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, tức là tăng cường hậu kiểm như yêu cầu của Chính phủ. Chứ không phải đặt ra những quy định điều kiện kinh doanh bất hợp lý theo kiểu “một người đau bụng, cả làng uống thuốc” – cách làm vừa “bóp chẹt” những doanh nghiêp làm ăn chân chính, vừa không ngăn chặn được cách làm ăn chụp giật tiềm ẩn rủi ro lớn cho cộng đồng.
Theo VietQ