Về nền trung lập của Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Một thỏa thuận quy định nền trung lập vĩnh viễn không phải là một bản án tử hình đối với Ukraine.
Về nền trung lập của Ukraine

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi sự hỗ trợ mở rộng của Washington, bao gồm cả vũ khí bổ sung và áp vùng cấm bay do NATO áp đặt, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga hiện đã bước sang ngày thứ 23.

Một mặt, người Ukraine vẫn kháng cứ quân đội Nga, mặt khác họ cũng đang khám phá những giải pháp tiềm năng để chấm dứt xung đột, bao gồm cả việc chấp nhận ý tưởng trung lập. Trung lập là một trạng thái trong luật quốc tế, theo đó một quốc gia cam kết không tham gia các liên minh an ninh quốc tế. Đối với Ukraine, điều đó có nghĩa là từ bỏ việc gia nhập NATO và không cho phép quân đội nước ngoài đặt căn cứ trong lãnh thổ của mình.

Mặc dù sự trung lập sẽ mang lại rủi ro, nhưng nó không phải là một bản án tử hình đối với Ukraine. Trên thực tế, nó có thể là giải pháp tốt nhất có thể, khi người Nga vẫn chưa có ý định rút lui. Chìa khóa sự trung lập phát huy tác dụng đối với Ukraine là định hình nó theo cách đảm bảo rằng việc từ bỏ tư cách thành viên NATO không phải trả giá bằng khả năng tự vệ của đất nước hoặc triển vọng về một tương lai kinh tế và chính trị nghiêng về phương Tây.

Một kết quả như vậy có thể xảy ra nhờ vào đòn bẩy mà sự kháng cự của quân đội Ukraine sẽ mang lại cho Zelensky trên bàn đàm phán, nó có thể ngày càng trở nên dễ chấp nhận đối với chính quyền Moscow nếu quân đội Nga không thể đảm bảo các mục tiêu của mình trên chiến trường.

Vị thế nguy hiểm

Khái niệm trung lập nổi lên như một cách mang lại hòa bình trong những tình huống có nguy cơ châm ngòi cho xung đột giữa các cường quốc, rất giống như ở Ukraine ngày nay. Các quốc gia châu Âu khác đã sử dụng "quân bài" này để tránh bị một nước láng giềng lớn hơn sáp nhập.

Thụy Sĩ và Bỉ được trao quyền trung lập sau các cuộc Chiến tranh Napoléon để ngăn chặn sự mở rộng quân sự mới của Pháp. Áo và Phần Lan, lo sợ bị sáp nhập hoặc phân chia dưới thời Liên Xô, cũng công bố trung lập sau Thế chiến thứ hai. Cả bốn nước trên đều có vị trí địa chính trị độc đáo, quá giá trị để các cường quốc từ bỏ nhưng lại quá khó để nắm giữ trong thời gian dài.

Các trường hợp của Phần Lan và Thụy Sĩ có lẽ phù hợp nhất với Ukraine, bởi cả hai quốc gia này đều theo đuổi khái niệm "trung lập được củng cố" (không nên nhầm lẫn với trung lập có vũ trang, nghĩa là một quốc gia không xảy ra xung đột giữa hai bên tham chiến nhưng sẵn sàng tự vệ trước cả hai). Một quốc gia trung lập được củng cố là một quốc gia duy trì chính sách quốc phòng dưới hình thức một quân đội mạnh thường xuyên ở trạng thái sẵn sàng cao và thiện chiến.

Nền trung lập được củng cố có thể là một trạng thái cuối cùng khả thi và có thể đạt được đối với Ukraine ngày nay. Nó có thể thông qua một văn bản tương tự như Hiệp ước Nhà nước Áo năm 1955, quy định rằng nước này sẽ từ bỏ tư cách thành viên của các tổ chức an ninh quốc tế, tùy thuộc vào việc quân đội Nga rời khỏi lãnh thổ của mình.

Ngoài ra, Ukraine cũng có thể cho phép cộng đồng quốc tế giám sát 15 lò phản ứng hạt nhân của mình, trước mối nguy hiểm rõ ràng mà chúng gây ra cho các nước láng giềng trong trường hợp xung đột tái diễn. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn có thể duy trì một đội quân lớn được cung cấp vũ khí của phương Tây và được tăng cường huấn luyện, và cuối cùng nước này có thể trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu.

Những điều Ukraine cần

Để tính trung lập được củng cố hoạt động, Ukraine sẽ cần ba điều. Đầu tiên là một số đảm bảo về sự tồn tại tiếp tục của nước này một khi nó chấp nhận tính trung lập. Một bảo đảm có thể ở dạng một hiệp ước khung, trong đó các nước láng giềng của Ukraine, cùng với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác, cam kết bảo vệ Ukraine nếu nước này bị xâm lược.

Trong quá khứ, Ukraine từng đánh đổi kho vũ khí hạt nhân thời hậu Liên Xô để đổi lấy việc được đảm bảo chủ quyền. Một bảo đảm tương tự sẽ xuất hiện dưới hình thức nước này vẫn sở hữu một quân đội lớn, có sức mạnh phòng thủ vũ khí do phương Tây cung cấp. Theo đó, hiệp ước khung không chỉ cần tôn trọng quyền tự vệ của Ukraine mà còn cả cam kết hỗ trợ phát triển quân sự của nước này với sự hỗ trợ của nước ngoài và mua sắm vũ khí.

Yêu cầu thứ hai là không gian vật lý. Không gian đối với Ukraine giống như các dãy núi đối với Thụy Sĩ và các hồ nước đối với Phần Lan: đặc điểm địa lý tạo cơ hội cho Ukraine phòng thủ trước các cường quốc. Trong trường hợp không có các chướng ngại vật tự nhiên, sự mở rộng của Ukraine cho phép quân đội của họ tiến hành phòng thủ theo chiều sâu và giành lấy không gian để chống lại kẻ thù.

Hơn nữa, diện tích rộng lớn của Ukraine cho phép nước này duy trì tài lực cho một đội quân thường trực lớn. Do đó, Ukraine bắt buộc phải giữ lại phần lớn lãnh thổ của mình trong một thỏa thuận thương lượng. Điều đó có nghĩa là lợi ích của Nga sẽ phải bị hạn chế phần lớn trong các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát trước chiến tranh, bao gồm bán đảo Crimea và các vùng lãnh thổ ly khai phía đông Luhansk và Donetsk.

Tổng thống Zelensky đã thể hiện sự cởi mở đối với kết quả như vậy, điều này có thể sẽ dẫn đến việc đồng ý công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và trao quy chế tự quản cho Luhansk và Donetsk, trong khi chờ một giải pháp do Liên Hợp Quốc đưa ra để xác định mong muốn của người dân địa phương và cung cấp các biện pháp bảo vệ quyền của người Ukraine sống trên các vùng lãnh thổ này. Mỹ và EU có thể củng cố vị thế trên bàn đàm phán của Zelensky bằng cách điều chỉnh các lệnh trừng phạt đối với việc Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ của Ukraine mà nước này kiểm soát từ ngày 24/2.

Cuối cùng, sự trung lập được củng cố đối với Ukraine sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ kinh tế bền vững từ phương Tây. Để có hy vọng tái thiết về mặt kinh tế, Ukraine sẽ cần viện trợ dài hạn, trong đó có thể đảm bảo rằng nước này đủ mạnh để chống lại sự can thiệp của Nga trong tương lai. EU nên đóng vai trò đầu tàu trong việc tái thiết Ukraine, với sự giúp đỡ của Mỹ và Nhật Bản, phương Tay cũng sẽ cần phát triển một con đường khả thi để Ukraine gia nhập EU.

Không giống như NATO, EU không phải là một liên minh an ninh quốc tế, đó là lý do tại sao hiệp ước khung phải thừa nhận quyền của Ukraine trong việc theo đuổi tư cách thành viên trong các tổ chức chính trị và kinh tế. Mang lại cho người Ukraine viễn cảnh về một tương lai như vậy, dù xa vời đến mấy, sẽ giúp họ không đơn giản từ bỏ và đồng ý với một tương lai trong tầm ảnh hưởng của Nga, giống như trường hợp của Belarus.

Trong trường hợp có cả ba đảm bảo, bao gồm khả năng tự vệ, giữ lại phần lớn lãnh thổ Ukraine và tái thiết kinh tế, mục tiêu của quy chế phương Tây phải là đảm bảo không chỉ một Ukraine có chủ quyền tiếp tục tồn tại mà còn có triển vọng phát triển. Nếu không, Ukraine sẽ sụp đổ một khi quân đội Nga quay trở lại.

Kết quả khả quan nhất

Đạt được một thỏa thuận khả thi về tính trung lập của Ukraine sẽ không dễ dàng, nhưng có lý do chính đáng để nghĩ rằng nó có thể trở nên khả thi. Hiện tại, những diễn biến trên chiến trường đã buộc Tổng thống Nga Putin phải giảm bớt các yêu cầu của mình, bao gồm cả việc từ bỏ sự kiên quyết của ông đối với việc phi quân sự hóa Ukraine và việc Zelensky bị phế truất. Đó là lý do tại sao việc trang bị vũ khí cho Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vẫn rất quan trọng ngay cả khi mục tiêu cuối cùng là trung lập. Trừ khi quân đội Nga giành được lợi thế trên thực địa, nếu không, Putin có khả năng chấp nhận một thỏa thuận thương lượng.

Vậy làm thế nào để các bên ngồi vào bàn đàm phán? Nếu các nỗ lực trực tiếp của Nga-Ukraine bị đình trệ, thì con đường rất có thể sẽ là thông qua một người hòa giải mà cả hai bên đều tin tưởng - chẳng hạn như Thủ tướng Israel Naftali Bennett, người duy trì mối quan hệ thân thiết với cả Putin và Zelensky.

Hai bên có thể bắt đầu đàm phán bằng việc đảm bảo an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân của Ukraine và áp đặt lệnh ngừng bắn để cho phép cộng đồng quốc tế tới giám sát các lò phản ứng trong khi dân thường được sơ tán khỏi các thành phố của Ukraine. Cả hai biện pháp sẽ tạo cơ hội để đánh giá thiện chí của Nga, nếu phía Moscow tôn trọng lệnh ngừng bắn, các cuộc đàm phán có thể tiến tới một chương trình nghị sự chính trị mở rộng ổn định, bao gồm tính trung lập của Ukraine và tương lai cho các vùng lãnh thổ phía đông.

Tất nhiên, có khả năng Nga sẽ vi phạm lệnh ngừng bắn. Nhưng rất có thể cuối cùng Putin sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến tới việc chấp nhận giải pháp trung lập được củng cố đối với Ukraine, vì lý do đơn giản là quân đội Nga không thể khuất phục Ukraine bằng các biện pháp quân sự.

Cũng có khả năng là ngay cả khi Putin chấp nhận kết quả này, trong tương lai, ông sẽ cố gắng một lần nữa để khuất phục Ukraine. Xét cho cùng, về mặt địa lý và lịch sử, Ukarine có vị thế cực kỳ quan trọng đối với Nga, so với Áo và Phần Lan. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là người Ukraine, với sự giúp đỡ của phương Tây, không nên chấp nhận bất kỳ phiên bản trung lập nào phủ nhận quyền lợi mà mình giành được, với sự hy sinh to lớn, để duy trì một quân đội mạnh.

Đối với người Ukraine, nền trung lập được củng cố là một kết quả tốt hơn so với việc trở thành quốc gia vệ tinh của Nga. Kết quả này sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động quân sự đáng chú ý của Ukraine trong ba tuần qua thành một điều gì đó có giá trị lâu dài đối với người dân của họ. Với cái giá phải trả là các vùng lãnh thổ phía đông vốn đã nghiêng về phía Nga và việc nhìn thấy cánh cửa gia nhập NATO đã khép lại, Ukraine sẽ có được hòa bình và khả năng xây dựng lại nền kinh tế tan hoang sau chiến tranh. Chỉ Ukraine mới có thể lựa chọn tương lai nào, và nếu chọn tính trung lập, nước này sẽ phải phụ thuộc vào làn sóng viện trợ vũ khí, tiền bạc và hỗ trợ ngoại giao cần thiết để biến một tương lai như vậy thực sự khả thi.

Bài viết thể hiện quan điểm của Aaron Wess Mitchell - cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về châu Âu và Á-Âu từ năm 2017 đến 2019.

Theo Foreign Affairs
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.