Nằm ở phía tây bắc tỉnh An Giang, thị xã Tân Châu được biết đến với nghề dệt lụa nổi tiếng lâu đời. Lụa Tân Châu được dệt bằng tơ tằm, hoa văn đẹp, màu sắc không phai. Tạo ra được những cuộn tơ vàng óng ả, người Tân Châu hết sức kỳ công trong việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt và nhuộm vải. Đây là nghề cha truyền con nối, được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Phơi lụa. Ảnh: làngnghevietnam. |
Ở đây, từ những bãi đất pha cát ven sông lấn khá sâu vào đồng ruộng là một màu dâu xanh trải rộng từ làng này sang làng khác. Khi hái dâu người ta không hái từng lá như ở Quảng Nam hay Chương Mỹ - Hà Đông, mà chặt dâu sát gốc, gom lại thành từng bó lớn rồi chở ghe về. Dâu được xắt thành sợi bằng loại dao to bản hơn một tấc, dài sáu bảy mươi phân, dao dâu bén ngót như gươm.
Thời điểm “tằm ăn lên” là giai đoạn cực nhất của nghề nuôi tằm. Gần như lúc nào người làm cũng phải túc trực bên nong và bộ ván xắt dâu. Đêm ngủ một hai canh lại thức để rải lá nuôi tằm. Khi tằm chín mọng, người ta đưa tằm lên “bũa” giăng tơ, làng dệt lúc này trông đẹp và lung linh hơn cả. Trong nắng sớm, nắng trưa nhà nhà vàng óng những “bũa” tơ tằm.
Ngày trước, kỹ thuật ươm truyền thống khá vất vả và công phu. Có đến hàng trăm lò than luôn hừng hực lửa với những chiếc nồi đồng to tướng bên trên. Nước sôi, cho kén vào nồi, kéo mối tơ quấn vào bánh xe quay. Đứng bên lò ươm, nước bốc lên mùi thơm ngậy chẳng khác gì thứ nước dùng chan vào tô hủ tíu. Người thợ ươm tay khuấy đũa liên hồi vào nồi nấu kén, tay quay đều bánh xe cuộn tròn sợi tơ vàng óng. Quay mãi đến khi nào trong nồi chỉ còn lại mớ xác tằm mới thôi. Con nhộng cũng không bỏ đi mà lấy ra trộn gỏi hoặc rang mặn để ăn cơm. Còn phân tằm và dâu vụn trong nong người ta đào hố đổ vào đấy, dự trữ làm phân bón.
Dệt lụa. Ảnh: dulich. |
Lụa làm ra được nhuộm bằng trái mặc nưa. Qua hàng chục lần nhuộm phơi liên tục, nhựa trái mặc nưa để lại cho lụa một màu đen huyền óng ả, càng giặt càng đen. Trái mặc nưa tròn tròn như trái táo Thái Lan, giã nát trái ra ngâm nước, nhúng lụa vào đem ra phơi nắng. Lại nhúng, lại phơi, lụa phơi hàng hàng, trải dài trên mặt đất trông rất đẹp và vui mắt.
Chính nhờ loại trái này mà lụa Tân Châu nổi tiếng khắp cả nước, hấp dẫn nhiều nơi, nhất là Lãnh Mỹ A, kế đó là Cẩm Tự hoa dâu, hoa cúc, mặt võng, mặt đệm... bởi nước nhuộm đen tuyền, một màu đen đặc biệt. Quần áo mặc đến nát, cái màu đen độc đáo ấy vẫn còn nguyên.
Ngày nay, nghề ươm tằm cũng như nghề dệt Tân Châu cũng đã cải tiến không ngừng. Tiếp thu những thành tựu kỹ thuật mới, mọi công đoạn đều dùng máy để tạo ra những sợi tơ mềm và nhuyễn hơn. Năng suất mỗi lần ươm, dệt cũng được tăng lên đáng kể. Những bộ trang phục được may bằng lụa trông mềm mại, láng trơn toát lên vẻ thanh tao, quý phái cho người mặc.