Vì sao ô nhiễm không khí xảy ra khi người dân đang ngủ?

Chuyên gia lý giải việc Hà Nội có chỉ số ô nhiễm không khí vào ban đêm cao hơn ban ngày chủ yếu là do hiện tượng nghịch nhiệt và gió lặng khiến không khí khó khuếch tán lên cao.
Tổng cục Môi trường cho biết ô nhiễm không khí diễn ra chủ yếu trong khoảng thời gian 0-6h. (Ảnh: Việt Hùng).
Tổng cục Môi trường cho biết ô nhiễm không khí diễn ra chủ yếu trong khoảng thời gian 0-6h. (Ảnh: Việt Hùng).

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) mới đây đã đưa ra báo cáo về diễn biến chất lượng không khí tại Hà Nội trong khoảng thời gian cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Theo đó, từ 27/9-2/10, chất lượng không khí tại Hà Nội tiếp tục có những diễn biến xấu, giá trị trung bình của PM2.5 đều vượt ngưỡng cho phép quy định. Đến ngày 3/10, chất lượng không khí đã tốt lên khi Hà Nội đón một trận mưa lớn vào sáng sớm.

Đáng chú ý, báo cáo nêu rõ thời gian ghi nhận giá trị PM2.5 ở mức cao chủ yếu vào ban đêm và sáng sớm, điển hình vào khung 0-6h trong nhiều ngày.

Tổng cục Môi trường lý giải nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do ban đêm là khoảng thời gian gió lặng cùng hiện tượng nghịch nhiệt làm chất ô nhiễm không thể phát tán, duy trì ở mức cao.

Trao đổi với PV, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch cho rằng kết quả đánh giá của Tổng cục Môi trường khá khách quan và sát với thực tế. Ông Tùng cho biết mặc dù ban đêm có lượng xe cộ qua lại ít nhất, các hoạt động qua lại của con người cũng hạn chế nhưng đây lại là thời điểm thuận lợi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt.

"Hiện tượng này thường xảy ra vào ban đêm do lúc này mặt đất lạnh, không khí tầng thấp bị đè nén ở dưới khó bốc hơi lên được", ông Tùng lý giải.

Theo đó, thông thường là càng lên cao không khí càng loãng và nhiệt độ càng giảm. Nhưng khi nghịch nhiệt xảy ra, không khí ở tầng cao sẽ có nhiệt độ ngang bằng hoặc đôi lúc cao hơn không khí ở mặt đất. Điều này khiến không khí ở tầng thấp bị nén lại, không thể bốc hơi.

Ngoài ra, ban đêm cũng là thời điểm ít gió, không khí chứa các chất ô nhiễm khó khuếch tán khiến ô nhiễm có xu hướng cao hơn những thời điểm khác trong ngày.

Chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển ra ngoài, tập thể dục trong khoảng thời gian 5-6h sáng do lúc này không khí ô nhiễm chưa thể khuếch tán lên cao, có hại cho sức khỏe của con người.

Bên cạnh đó, báo cáo tổng quan chất lượng không khí tháng 9 của Tổng cục Môi trường còn đưa ra các số liệu đánh giá và khẳng định ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong vòng 10 năm trở lại đây có xu hướng giảm.

"Qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay cho thấy, nồng độ bụi PM10 và PM2,5 có xu hướng giảm. So sánh nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng qua các năm từ 2013-2019 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng năm 2019 có xu hướng giảm qua các năm", báo cáo của Tổng cục môi trường nêu.

Trao đổi về xu hướng này, ông Tùng cho rằng cần xem xét lại về nguồn số liệu và xem xét lý giải xu hướng này. Bởi lẽ, trong giai đoạn 2013-2019, lưu lượng xe máy, mật độ giao thông, xây dựng, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội tăng theo từng năm nên xu hướng ô nhiễm không khí khó có thể giảm.

"Để dựa vào đánh giá chỉ số AQI trong vòng một vài năm của riêng một tổ chức thì khó có thể nhận định được xu hướng ô nhiễm không khí giảm. Cần phải có những phân tích, liên kết các thông tin với nhau để lý giải về xu hướng này", ông Tùng đưa ra quan điểm.

Theo ông, nếu xu hướng ô nhiễm có giảm thì có thể do điều kiện khí hậu có những biến chuyển về lượng mưa qua từng năm.

Theo Zing
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.