Ghế nhựa là sản phẩm quen thuộc được nhiều người Việt sử dụng nhưng ít ai biết đích xác vì sao trên mặt ghế nhựa lại có một lỗ nhỏ. Câu hỏi đơn giản này có rất nhiều đáp án, sau khi nghe xong đảm bảo bạn sẽ cảm thấy thú vị.
Vì sao trên ghế nhựa lại có một lỗ nhỏ?
Khi xếp chồng những chiếc ghế nhựa này lên nhau, nếu không có chiếc lỗ nhỏ này thì bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cất giữ và vận chuyển chúng. Nếu còn nhớ thí nghiệm vật lý bán cầu Magdeburg đã được học ở trường trung học thì bạn sẽ biết rằng môi trường chân không bên trong khiến ta phải dùng một lực rất mạnh để kéo bán cầu ra.
Tuy không gian giữa hai chiếc ghế không phải là chân không nhưng nếu không có lỗ hổng này, không không giữa những hai chiếc ghế cũng tạo ra hiệu ứng tương tự, làm chúng dính chặt vào nhau, khiến chúng ta cần một lực rất mạnh để kéo ra.
Ngoài ra, khi xếp chồng những chiếc ghế lên nhau nếu có chiếc lỗ này thì ta có thể xếp gọn gàng và vững chắc chúng.
Như vậy, phần nào ta đã hiểu được công dụng của chiếc lỗ nhỏ này, nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao lại phải là lỗ tròn không to cũng không nhỏ, và vì sao lại là hình tròn chứ không phải hình vuông hay tam giác?
Nếu tạo lỗ hình vuông hay hình tam giác sẽ không tốt, vì những hình này thường có góc nhọn nên phần lớn áp lực sẽ đều tập trung ở góc cạnh, khi người ngồi lên ghế, nó sẽ dễ bị vỡ. Bên cạnh đó, người ta cũng không làm hình oval hay hình có góc tròn khác bởi vì hình tròn làm khuôn dễ nhất nên người ta chọn lỗ tròn cho ghế nhựa.
Nhưng tại sao lại chỉ một lỗ mà không phải là hai hay nhiều hơn? Vì nếu chỉ để thông khí thì chỉ cần một lỗ là đủ.
Vì sao lỗ không quá to cũng không quá nhỏ? Nếu lỗ quá to sẽ ảnh hưởng tới cường độ kết cấu, nếu quá nhỏ thì khi muốn cầm ghế, người dùng sẽ khó khăn khi thò đầu ngón tay vào.
Ngoài ra, cũng có rất nhiều cách giải thích khoa học và thú vị khác về chiếc lỗ nhỏ này. Theo đó, việc ghế có lỗ có liên quan tới quá trình ép nhựa, khi người ta thường dùng kỹ thuật đổ nhựa nóng chảy vào khuôn. Theo nguyên lý nóng nở ra, lạnh co lại, lượng nhựa dùng càng nhiều thì thay đổi trong thể tích càng lớn nên cần phải có lỗ trống để giảm lượng nhựa sử dụng. Bên cạnh đó, tạo lỗ như vậy khi tháo ghế ra khỏi khuôn sẽ dễ dàng hơn
Một lý giải khác cho rằng khi chồng ghế lên nhau, và lấy một vật gì đó xâu qua lỗ thì có thể nhẹ nhàng di chuyển chồng ghế. Hay có ý kiến cho rằng nếu ghế bị ướt thì chiếc lỗ này sẽ giúp nó mau khô và không bị đọng nước.
Xuân Bách