Cụ thể, sau khi chỉ đứng ở vị trí thứ 100 trên bảng xếp hạng ở lần công bố đầu tiên hồi tháng 7 năm 2021, cả Việt Nam và Campuchia đã có những bước chuyển mình ngoạn mục, lọt vào top 10 trong 4 tháng liên tiếp.
Chỉ số của Nikkei đánh giá 121 quốc gia và khu vực về phản ứng chống dịch, triển khai tiêm chủng và tính dịch chuyển xã hội. Việc các quốc gia đứng ở thứ hạng cao hơn cho thấy sự phục hồi sau đại dịch, được đặc trưng bởi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong thấp, phạm vi tiêm chủng được mở rộng và ít hạn chế hơn trong việc đi lại.
Tờ Asia Nikkei cho biết những diễn biến trong 15 tháng qua cho thấy ngay cả những quốc gia hứng chịu các đợt bùng phát dịch lớn cũng có thể xoay chuyển tình thế, trước tiên bằng các đợt tiêm chủng quy mô lớn và sau đó bằng cách nới lỏng các hạn chế.
Hai nước láng giềng tại hạ lưu sông Mekong là những trường hợp điển hình. Campuchia và Việt Nam đã sớm thành công trong việc kiểm soát COVID-19 chỉ sau một năm xảy ra đại dịch, nhưng sau đó bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta vào giữa năm 2021. Điều này buộc các chính phủ phải sử dụng phương án siết chặt các quy định phòng dịch.
Tuy nhiên, nhờ vào việc triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng, Việt Nam và Campuchia đã ghi được lần lượt 30 và 29 điểm trên thang đo của Nikkei. Cả hai chính phủ đã bỏ các hạn chế liên quan đến COVID-19 và mở cửa trở lại hoàn toàn cho khách du lịch quốc tế.
Những diễn biến tích cực trong hoạt động chống dịch đã chuyển thành triển vọng kinh tế tươi sáng hơn. Trong dự báo kinh tế mới nhất của mình, Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng hàng năm của Việt Nam lên 7,2% từ 5,3% và của Campuchia lên 4,8% từ 4,5%.
Ngân hàng Thế giới cũng nâng tỷ lệ tăng trưởng của Malaysia và Thái Lan lên lần lượt là 6,4% và 3,1%. Malaysia đứng thứ 38 về chỉ số hồi phục gần nhất, trong khi Thái Lan đứng thứ 70.