Sáng 17/4, tại TPHCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tham dự Diễn đàn quốc tế kết nối mạng lưới toàn cầu mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Diễn đàn do Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tổ chức, nằm trong chuỗi các sự kiện về củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã tổ chức tại Đồng Tháp và TPHCM trong những ngày qua.
Khởi nguồn từ Nhật Bản cách đây 40 năm, OCOP đã phát triển rộng rãi ra hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục trên thế giới. Tại Việt Nam, OCOP mới được triển khai cách đây 6 năm, và thực tế gần 1 năm trước, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt việc thực hiện Chương trình OCOP, tạo ra xu hướng mới và tạo ra hiệu quả rõ rệt cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai OCOP, trong đó có 42 tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, tập trung sản xuất 6 ngành hàng theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/5/2018.
Việc tổ chức Diễn đàn này là sáng kiến của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhận được sự ủng hộ của 12 quốc gia trong đó có Nhật Bản và Thái Lan là hai quốc gia có OCOP phát triển mạnh mẽ. Riêng Thái Lan, giá trị thương mại từ OCOP năm 2018 tương đương với 108.000 tỷ đồng.
Tại Diễn đàn, các đại biểu quốc tế là Chủ tịch các liên hiệp OCOP, lãnh đạo các cục, vụ của cơ quan Chính phủ các nước nhấn mạnh mục tiêu phát triển OCOP dựa vào nội lực của cộng đồng mà nòng cốt là doanh nghiệp địa phương, kinh tế tập thể nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.
Ở các quốc gia, OCOP đã góp phần đưa các sản phẩm có quy mô “làng, xã” nhưng được lưu thông, sử dụng ở toàn quốc và xuất khẩu ra cả thế giới nhờ tạo được thương hiệu thông qua quy trình sản xuất an toàn, thấm đẫm bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo trong mỗi sản phẩm. Chính vì vậy, OCOP đã góp phần phát triển tính năng động, sáng tạo của cộng đồng dân cư, nhất là các doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã trong sản xuất, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, truyền thông sản phẩm OCOP.
Tại Việt Nam, sau gần 1 năm triển khai OCOP theo Quyết định của Thủ tướng, Chương trình đã đạt một số kết quả quan trọng, đó là hình thành hệ thống tổ chức, chỉ đạo thực hiện gồm Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia và bộ máy giúp việc ở Trung ương và địa phương, cơ sở để triển khai.
Bước đầu hình thành hệ thống tư vấn, bao gồm tư vấn, cố vấn cấp quốc gia, là một số chuyên gia có kinh nghiệm và hơn 10 tổ chức, doanh nghiệp tham gia tư vấn ở cả 3 cấp, gồm cấp Trung ương, tỉnh và huyện. Xây dựng bộ 26 tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP…
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu quốc tế về mục tiêu phát triển OCOP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng OCOP còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi vừa nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, vừa góp phần bảo tồn văn hoá của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền.
Chính phủ, các bộ, ngành và nhiều địa phương quan tâm thúc đẩy phát triển OCOP nên nhiều sản phẩm đã chiếm lĩnh trên kệ hàng của nhiều siêu thị lớn như Big C, Co.opmart..., có đóng góp vào giá trị xuất khẩu nông nghiệp 43 tỷ USD trong năm 2018.
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Là một nước mới triển khai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Muốn thành công thì đầu tiên phải kết nối các sản phẩm OCOP với người tiêu dùng ở trong từng địa phương và trong phạm vi quốc gia. Nhưng để thành công hơn nữa thì phải có kết nối OCOP toàn cầu, kết nối các quốc gia có chương trình này để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Để thực hiện kết nối mạng lưới OCOP trong mỗi địa phương và quốc gia, làm cơ sở để kết nối thành công với mạng lưới quốc tế, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung vào 4 nhóm hành động chính: Nâng cao năng lực và đào tạo; dịch vụ tư vấn phát triển sản phẩm OCOP; kết nối hoạt động giao thương và học hỏi kinh nghiệm thực tế; truyền thông sáng tạo tiếp cận với sự phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Do đó, Phó Thủ tướng đánh giá Diễn đàn được thành lập thể hiện vị thế ngày càng cao của nền kinh tế Việt Nam, tinh thần đoàn kết của các quốc gia vì sự ấm no, thịnh vượng của người nông dân không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN&PTNT bám sát Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chương trình OCOP bằng các công việc, đề án cụ thể, tổ chức triển lãm Hội chợ OCOP định kỳ cấp vùng, địa phương hay cả quy mô quốc gia
Theo Quyết định 490/QĐ-TTg, Chương trình OCOP tại Việt Nam bao gồm 6 ngành hàng: Đồ ăn; đồ uống; lưu niệm - thủ công mỹ nghệ; thảo dược; vải và may mặc; và dịch vụ, được phát triển dựa trên các sản vật, văn hóa, cảnh quan, công nghệ truyền thống của địa phương.
Chu trình OCOP đặt yêu cầu các sản phẩm phải do người dân đề xuất mà không phải là chỉ định của cán bộ hay cơ quan hành chính Nhà nước; Nhà nước hỗ trợ một cách toàn diện, dựa trên các nguồn lực sẵn có, chủ yếu từ Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới; các sản phẩm tham gia Chương trình bắt buộc phải được chấm điểm và phân hạng theo tiêu chí cụ thể; được hỗ trợ xúc tiến thương mại.