Hội thảo tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục thảo luận về các vấn đề liên quan đến công bằng giáo dục, xây dựng kế hoạch chiến lược hướng tới đảm bảo công bằng trong giáo dục; chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ các quốc gia.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Nhìn lại chặng đường đã qua, bên cạnh những kết quả ấn tượng về phổ cập giáo dục, nền giáo dục Việt Nam được thế giới ghi nhận cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.
Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành và triển khai, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn, công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề cập đến những thách thức gặp phải trong thực thi các chính sách đảm bảo công bằng giáo dục, như: Việc tiếp cận chất lượng giáo dục tốt của trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa; những trẻ em không được hỗ trợ từ gia đình và nhà trường dễ trở thành nạn nhân "bị bỏ lại phía sau" trong một môi trường sống đầy biến động.
Thứ trưởng kỳ vọng, các tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đồng hành cùng nhà khoa học Việt Nam trong quá trình xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục, thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa các nước vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: Thế giới có sự chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, bất ổn gia tăng với rất nhiều những cơ hội và thách thức mới của toàn cầu hóa, của hội nhập liên kết, tùy thuộc lẫn nhau.
Trong bối cảnh đó, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, bảo đảm giáo dục chất lượng, công bằng, hiện đại đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc lập kế hoạch chiến lược giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng, đây cũng là ưu tiên của UNESCO, nhằm thúc đẩy chuyển hướng giáo dục, không để ai bị bỏ lại phía sau và đóng góp vào tương lai phát triển hòa bình, bền vững.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker phát biểu tại Hội thảo. |
Theo ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ở những quốc gia có thành phần dân tộc đa dạng như Việt Nam, việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận và tham gia giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số là điều tối quan trọng. Ngoài ra, nhiều khía cạnh khác gắn với sự công bằng cần phải xét đến, chẳng hạn sự chênh lệch giàu nghèo và khu vực thành thị - nông thôn.
Liên quan đến khía cạnh bình đẳng giới, ông Jonathan Baker cho rằng, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng cho cả trẻ em trai, trẻ em gái, giữa nam và nữ, nhưng vẫn còn phải giải quyết các nguyên nhân sâu xa của bất bình đẳng và các thành kiến giới.
Các hoạt động phối hợp giữa UNESCO cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương có nhiều trẻ em gái dân tộc thiểu số cho thấy, cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để đảm bảo các em không gặp phải rào cản trong việc duy trì học tập, thụ hưởng các cơ hội học tập./.