Điều này được thể hiện rõ qua những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) giai đoạn 2020 - 2021. Đáng chú ý, bài viết đặc biệt nhấn mạnh tới những hoạt động tích cực và hiệu quả của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76 mới đây.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Theo bài viết, một trong những vấn đề đang được cả thế giới quan tâm đã được nêu lên trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Việt Nam tại LHQ - cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 là lời cảnh báo khẩn cấp về hậu quả tàn khốc của các vấn đề an ninh bất thường như dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước Việt Nam khẳng định thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch, đồng thời đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng nhằm sớm chiến thắng đại dịch như gỡ bỏ rào cản đối với quá trình phân phối vaccine, trong đó ưu tiên cho các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp; thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại để khôi phục nền kinh tế thế giới; đẩy nhanh chuyển đổi số và sử dụng công nghệ “xanh”; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế…
Bài viết khẳng định tất cả các phát biểu của Chủ tịch nước tại ĐHĐ LHQ đều thể hiện rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam, đó là thượng tôn luật pháp quốc tế. Bất kỳ “nút thắt” chính trị nào, dù là phức tạp nhất cũng có thể giải quyết bằng biện pháp ngoại giao hoà bình, trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế. Và đây cũng là cách tiếp cận của Liên bang Nga đối với một loạt điểm nóng trên thế giới.
Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế đang phát triển năng động nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, được các cường quốc hàng đầu thế giới chú trọng. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19, do đó, chắc chắn sau đại dịch, nền kinh tế sẽ như “một chiếc lò xo bật cao” lên một tầm cao mới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ về an ninh khí hậu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Cũng trong chương trình làm việc tại ĐHĐ LHQ, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc còn có thêm hai bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận về an ninh khí hậu và Hội nghị các hệ thống lương thực.
Việt Nam là một trong mười quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện rõ quyết tâm giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Đây cũng là mục tiêu mà Việt Nam đã triển khai thực hiện từ lâu như giảm sử dụng năng lượng hoá thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 25% tổng nguồn cung vào năm 2030; kể từ tháng 4/2021, triển khai chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025…
Liên quan chủ đề lương thực, bài viết khẳng định Việt Nam là quốc gia có khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, đi đôi với bề dày kinh nghiệm hàng nghìn năm trong lĩnh vực nông nghiệp nên hoàn toàn xứng đáng có vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh lương thực thế giới trong tương lai. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phối hợp giữa các quốc gia, các đối tác, nhân tố trong hệ thống lương thực, thực phẩm phải vì lợi ích của người dân. Để phát triển bền vững hệ thống lương thực, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề xuất mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; Quản lý bền vững các nguồn tài nguyên đất nước, đa dạng sinh học và rừng; Quản lý nguồn nước xuyên biên giới, tài nguyên biển.
Kết thúc bài viết, tác giả khẳng định tất cả những yếu tố trên đã chứng minh một Việt Nam có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của thế giới, dựa trên ba trụ cột chính là kinh tế - xã hội - môi trường. Các sáng kiến được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu lên tại ĐHĐ LHQ lần này có thể sẽ trở thành chủ đề nghiên cứu cho giới chuyên gia Nga, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước trong thời đại mới.