Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc đã phỏng vấn Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, về công tác chuẩn bị cũng như những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi đảm nhiệm vị trí này.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Xin Đại sứ chia sẻ công tác chuẩn bị của Việt Nam cho năm tới đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đặc biệt là cho tháng 1/2020, tháng chủ tịch Hội đồng Bảo an?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Ngay sau khi Việt Nam được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, công tác chuẩn bị đã được thực hiện ngay.
Đến lúc này, công tác tổ chức nhân sự đã hoàn tất. Phái đoàn tại Liên hợp quốc đã được bổ sung thêm nhiều đồng chí, đồng thời chúng tôi cũng tổ chức lại bộ máy để tập trung vào các hoạt động của Hội đồng Bảo an trong năm tới, chuyển trọng tâm từ Đại Hội đồng sang tập trung hơn vào Hội đồng Bảo an.
Thứ hai, chúng tôi đã bắt đầu vận hành thử cơ chế phối hợp giữa phái đoàn ở New York và cơ chế liên ngành ở Hà Nội trong hơn một tháng qua.
Bắt đầu từ ngày 1/10 vừa qua, mỗi nước được bầu vào Hội đồng Bảo an được 1 ghế tham dự tất cả các cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Đây là cơ hội để phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc vận hành thử bộ máy như thật, nhờ đó có thể phát hiện lỗi chưa hoàn thiện để "rèn quân." Cho đến bây giờ, mặt tổ chức nhân sự và bộ máy vận hành đã tương đối trơn tru.
Về mặt nội dung, chúng ta đã bước đầu thống nhất được dự thảo chương trình làm việc của tháng 1/2020, trong đó có những chương trình ta phải làm thường xuyên, đồng thời có những sự kiện riêng của Việt Nam để tạo dấu ấn trong tháng Một. Đánh giá tổng thể, có thể nói chúng ta đã sẵn sàng.
- Thách thức đối với một nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh hiện nay là gì, thưa Đại sứ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Thách thức rất nhiều. Thứ nhất, đó là những vấn đề mới nảy sinh không thể lường trước. Ngay trong tháng 1/2020 cũng sẽ có rất nhiều vấn đề rất có khả năng bùng nổ thành điểm nóng và khi xảy ra như vậy, Hội đồng Bảo an phải họp để ra các quyết định.
Thứ hai, trong bối cảnh có nhiều điều không lường trước được như thế, sự hợp tác giữa các nước trong Hội đồng Bảo an, kể cả các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, cũng không được như trước nữa và thậm chí có những vấn đề bản thân họ lại có xung đột lợi ích.
Trong tình huống như vậy, vai trò điều hành của chủ tịch cũng như vai trò của các nước thành viên là rất lớn.
Việt Nam phải giải quyết để làm sao vừa bảo vệ được hòa bình an ninh thế giới, bảo vệ lợi ích của chính mình, nhưng đồng thời vẫn giữ được quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên. Đó là những thách thức tôi nghĩ là lớn nhất.
- Theo Đại sứ, Việt Nam có thế mạnh gì khi đảm nhiệm vị trí này?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Chúng ta có thế mạnh là kinh nghiệm, là sự ủng hộ của tất cả các bên, của cả 15 nước thành viên trong Hội đồng Bảo an.
Tôi cảm nhận rằng 5 nước ủy viên thường trực và 9 nước ủy viên không thường trực đều có quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam.
Các nước rất hợp tác vì lợi ích chung là bảo vệ hòa bình an ninh quốc tế. Tuy vẫn có sự khác biệt về lợi ích nhưng vấn đề là xử lý điều đó như thế nào.
Trong lĩnh vực này, chúng ta đã có kinh nghiệm nhưng khi vào thực tế, mọi thứ có thể "thiên biến vạn hóa."
Một điều nữa là chúng ta có đội ngũ cán bộ ở phái đoàn cũng như bộ máy hợp tác liên ngành đã có kinh nghiệm từ lần trước (khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009), bây giờ dựa trên những kinh nghiệm đó áp dụng cho những điều mới trong tình hình hiện nay thì đó là một điều rất đáng quý.
- Qua diễn đàn này, Việt Nam có thể tận dụng và phát huy được những lợi thế gì từ cộng đồng quốc tế, thưa Đại sứ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Thứ nhất, Việt Nam phải tận dụng diễn đàn này để sau khi tham gia Hội đồng Bảo an trong 2 năm tới, đặc biệt trong tháng chủ tịch, uy tín và vị thế của Việt Nam sẽ cao hơn. Đó là một thách thức rất lớn.
Thứ hai, chúng ta phải có được những thành tựu mang bản sắc Việt Nam rất cụ thể, có thể đo đếm được sau hai năm tham gia vào công cuộc củng cố hòa bình an ninh quốc tế mà được các nước khác ghi nhận. Đó là điều hết sức quan trọng và cần phải phấn đấu bằng được.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ.