Sáng 16/1, Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng thế giới tổ chức hội thảo khởi động đánh giá mức độ sẵn sàng về dữ liệu mở và Chính phủ số tại Việt Nam. Bà Alla Morrison, điều phối chương trình dữ liệu sáng tạo của Ngân hàng thế giới cho biết, thế giới hiện có 52 chính quyền áp dụng hệ thống điều lệ quốc tế về dữ liệu mở, trong đó 17 chính quyền quốc gia và 35 cấp địa phương.
Theo bà Alla Morrison, dữ liệu mở về kỹ thuật, pháp lý, miễn phí khi tái sử dụng với mục đích thương mại. Các dữ liệu mở cấp quốc gia gồm thống kê quốc gia, ngân sách chính phủ, thời tiết, bản đồ quốc gia. Dữ liệu mở cấp địa phương gồm thông tin tội phạm, an ninh, giao thông vận tải, giấy phép kinh doanh, giáo dục.
Bà Alla Morrison, điều phối Chương trình Dữ liệu sáng tạo của WB. Ảnh: VGP |
Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới Trần Thị Lan Hương khẳng định, dữ liệu số sẽ tạo ra giá trị mới về kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp Chính phủ thăng hạng trên bảng đánh giá về minh bạch thu hút đầu tư.
Bà dẫn chứng, các nước tiên phong như Mỹ, Anh, Australia, Đan Mạch khi sử dụng dữ liệu mở đã có hàng trăm công ty mới thành lập và hàng nghìn việc làm mới được tạo ra. Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đóng góp 122 tỷ USD mỗi năm cho kinh tế Mỹ. Dữ liệu mở về thời tiết ở Mỹ tạo ra hơn 400 công ty, sử dụng hơn 4.000 lao động.
"Tôi hy vọng sắp tới sẽ có khung pháp lý và lộ trình xây dựng dữ liệu mở, phát triển Chính phủ số ở Việt Nam", bà Hương nói.
Ông Kim Andreasson, chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc xây dựng Chính phủ số là rất cần thiết vì chi phí thông tin số đang rẻ hơn rất nhiều so với thông tin khác. Ví dụ, nếu thông tin số có chi phí tương đối là 1 thì thông tin điện thoại là 20, bưu điện là 30 và gặp trực tiếp là 50.
Năm 1990, cơ quan Thuế của Mỹ (IRS) nhận được 4 triệu bản khai thuế trực tuyến trong năm đầu tiên thực hiện. Năm 2000 tăng lên 35 triệu, 2010 vượt lên 100 triệu, và 2017 là 127 triệu trên 145 triệu người kê khai thuế trực tuyến.
Ông Kim Andreasson cho biết, đoàn chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đang nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn đơn vị liên quan, sắp tới sẽ làm việc với các bộ, ban, ngành, sau đó sẽ báo cáo kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng Chính phủ số ở Việt Nam.
Kết luận hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, dữ liệu mở, Chính phủ số là xu hướng tất yếu, Việt Nam đang làm và sẵn sàng làm.
"Có thể nói đây là cách mạng về cải cách hành chính, thúc đẩy kinh tế xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, minh bạch, công khai hóa. Chính phủ cũng đã có những kênh tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp, năm qua đã có trên 5.000 thủ tục và điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ", ông Dũng cho hay.
Phó thủ tướng cho rằng điều khó khăn nhất hiện nay của Việt Nam là xây dựng cơ sở dữ liệu, và thời gian tới sẽ tập trung xây dựng cổng tập trung quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp kho tư liệu của bộ, ngành, địa phương để truy cập ở cổng website duy nhất.
"Chúng tôi mong đoàn sẽ đưa ra khuyến nghị phù hợp để Việt Nam triển khai dữ liệu mở, Chính phủ số trong thời gian tới. Các bộ ngành quá trình làm việc với đoàn công tác phải trách nhiệm, trả lời hết câu hỏi đoàn đưa ra", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và khẳng định "càng công khai, minh bạch bao nhiêu, càng giảm tiêu cực, phiền toái, lợi ích nhóm bấy nhiêu".