Cuộc khủng hoảng của tập đoàn Evergrande xảy ra đúng vào giai đoạn quan trọng nhất đối với cá nhân ông Tập khi còn còn chưa đầy một năm trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện sẽ giúp nhà lãnh đạo 68 tuổi này nắm giữ nhiệm kỳ thứ ba.
Mô hình vay để xây dựng của Evergrande từng được khuyến khích bởi một chính phủ phụ thuộc vào việc bán bất động sản để có doanh thu và không sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì sợ giá cả sụt giảm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Ông Tập, người đã triển khai một loạt các cải cách công nghiệp và xã hội trong năm nay với danh nghĩa "thịnh vượng chung", đã nói rõ rằng sự tăng trưởng chóng mặt vượt quá hàng thập kỷ được tạo ra bởi sự gia tăng không ngừng của giá bất động sản và nợ phải bị khuất phục.
Nhưng trách nhiệm chung về cuộc khủng hoảng của Evergrande và những lo lắng về hậu quả của một vụ vỡ nợ hỗn loạn, làm phức tạp thêm các quyết định về số phận của một tập đoàn với khoản nợ 305 tỷ USD.
“Ở một mức độ nào đó, chính phủ Trung Quốc là nguyên nhân gây ra các vấn đề cho Evergrande. Họ đặt ra giới hạn tỷ lệ nợ, buộc Evergrande phải bán các tài sản của mình", ông Andrew Collier, giám đốc điều hành tại công ty phân tích tài chính Orient Capital Research, cho biết.
Việc kìm hãm giá bất động sản trở nên hết sức khó khăn do hệ thống tài chính phụ thuộc lớn vào lĩnh vực này. Trong năm 2020, các chính quyền địa phương tại Trung Quốc thu về hơn 40% nguồn thu từ việc bán đất, tình trạng này thúc đẩy mối quan hệ phụ thuộc với các nhà phát triển bất động sản.
"Các nhà phát triển dường như bị cuốn vào nền kinh tế chính trị, điều này dẫn đến vô số quyết định tồi tệ bởi vì họ đang đầu tư dựa trên ý thích và các luồng gió chính trị, thay vì dựa vào tình hình kinh doanh thực tế", Fraser Howie, tác giả của một số cuốn sách về hệ thống tài chính của Trung Quốc, nhận định.
Nguồn gốc xa xưa
Phó giáo sư Alfred Wu từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore), cho biết cội nguồn của cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ việc cải cách thuế năm 1994, giúp thúc đẩy ngân sách của chính phủ trung ương nhưng khiến chính quyền địa phương phụ thuộc vào việc bán đất đai để có nguồn thu.
Điều này đã làm tăng giá bất động sản và sự phát triển của các chủ đầu tư như Evergrande, vốn phát triển mạnh ở các thành phố hạng ba và hạng tư.
"Evergrande là một con bò vắt sữa cho các chính quyền địa phương. Nếu công ty phá sản, mô hình tài trợ đất đai và chính quyền địa phương cũng sẽ phá sản. Chính quyền trung ương sẽ không cho phép điều đó", ông Wu khẳng định.
Bất chấp những cảnh báo, mô hình kinh doanh "vay tiền để mua đất" của Evergrande và nhiều công ty bất động sản khác vẫn bị chính quyền địa phương và trung ương bỏ qua trong nhiều năm.
Ông Hứa Gia Ấn - Chủ tịch kiêm cổ đông lớn của Evergrande, cũng đã nỗ lực thể hiện mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với chính quyền Bắc Kinh. Trong năm 2020, vị tỷ phú này được vinh danh là "người lao động kiểu mẫu quốc gia", "chiến sĩ chống đói nghèo" và "Nhà xây dựng xuất sắc vì sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc".
Thức tỉnh
Chính quyền Bắc Kinh bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ rằng sự trỗi dậy của thị trường nhà ở không chỉ tạo ra thịnh vượng mà còn nới rộng khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội.
Một nhà quản lý danh mục đầu tư bên ngoài Trung Quốc cho biết các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019 ở Hong Kong, một phần nguyên nhân là do tình trạng bất bình đẳng thúc đẩy bởi chi phí nhà ở cao, là một lời cảnh tỉnh cho Bắc Kinh.
Năm nay, ông Tập đã đặt ra kế hoạch cải tổ ba lĩnh vực lớn là nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe để giảm thiểu chi phí sinh hoạt cho người dân đô thị như một cách để củng cố tính hợp pháp với tư cách là "nhà lãnh đạo của nhân dân", các nhà phân tích cho biết.
Các cuộc biểu tình của các nhà thầu xây dựng, người mua nhà và nhà đầu tư bất mãn với Evergrande vào tuần trước cho thấy tình trạng hỗn loạn có thể gia tăng nếu vụ vỡ nợ không được xử lý đúng cách.
Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ ước tính có 10 nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc tiền ẩn nhiều rủi ro, chiếm tổng doanh thu 1,86 nghìn tỷ nhân dân tệ (287,92 tỷ USD), gần gấp 3 lần Evergrande.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn khó có thể xảy ra, dự đoán rằng các nhà chức trách Bắc Kinh sẽ chọn con đường siết chặt lĩnh vực bất động sản nói chung trong khi giải quyết các vấn đề riêng lẻ khi chúng phát sinh.
"Chính phủ biết rằng nếu họ không xử lý Evergrande cẩn thận và để nó phá sản, các chủ sở hữu và cổ đông bất mãn có thể gây ra bất ổn xã hội, vụ vỡ nợ có thể dẫn đến rủi ro tài chính, sa thải hàng loạt có thể gây ra thảm họa thất nghiệp và các công ty tư nhân rơi vào trạng thái dè dặt", ông Tang Renwu, người đứng đầu Trường Hành chính Công thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nhận định.